Nghệ An: 35 xã bị cô lập, 2 người chết vì mưa lũ
(Dân trí) - Theo Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Nghệ An, tính đến 17h ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh này có 2 người chết do mưa lũ, 35 xã bị cô lập, nhiều đoạn đường quốc lộ bị ngập sâu, không thể lưu thông.
Mưa lớn trong nhiều ngày khiến cho 131 xã, phường của 13 huyện, thành, thị: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Tân Kỳ, Kỳ Sơn, Đô Lương, Nghĩa Đàn bị ngập sâu; trong đó 35 xã bị cô lập, 226 trường học bị ngập lũ.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, đến chiều tối ngày 15/10, dù mưa đã ngớt, song do nước từ thượng nguồn đổ về đã làm cho khu vực làng chài Cửa Tiền (còn gọi là xóm Thái Lan) đã bị ngập chìm trong biển nước.
Cụ thể, tại xóm Thái Lan có đến hàng chục gia đình đã bị nước từ sông Cửa Tiền dâng cao nhấn chìm. Nhiều hộ gia đình đã phải mang đồ sang hàng xóm xin ở nhờ.
“Năm 1978 lụt lên đến gần nóc nhà là khiếp lắm rồi, năm nay dù chưa đến mức đó, nhưng nước cũng xấp xỉ năm đó. Mưa dù ngớt nhưng nước sông Tiền cứ dâng lên thế này không biết khi nào mới trở về nhà đây! Hiện gia đình tôi đã vận chuyển đồ đạc xin sang ở nhờ hàng xóm rồi”, bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Theo báo cáo nhanh của UBND các huyện, ước tính thiệt hại ban đầu về người trên toàn tỉnh xác định được 2 người chết là cháu Phạm Ngọc Hoàng (SN 2003, trú xã Nam Kim, Nam Đàn) học sinh lớp 8C, Trường THCS Nam Kim - trên đường đi học bị nước lũ cuốn trôi vào sáng ngày 15/10/2016; anh Nguyễn Vĩnh Hà (SN 1987, trú xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành) bị nước cuốn trôi lúc 15h ngày 15/10/2016.
Tình trạng sạt lở ghi nhận tại quốc lộ 46 bị sạt lở đoạn qua Rú Nguộc, huyện Thanh Chương; kè Hưng Lĩnh thuộc hệ thống đê Tả Lam; bờ sông đoạn xã Thanh Chi thuộc hệ thống đê hữu Thanh Chương; kênh mương thủy lợi bị sạt lở 2.500 m; bị trôi 01 cầu máng ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn; hư hỏng 3 đập loại nhỏ.
Nhiều tuyến đường quốc lộ chạy qua địa phận tỉnh bị ngập, cấm lưu thông. Lực lượng chức năng đã tổ chức triển khai phương án di dời dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và vùng trũng thấp đến nơi an toàn; Triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ; trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết.
Kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, nhất là các công trình đang thi công, các hồ chứa nước, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ xung yếu; Bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố; Các công ty thủy lợi và địa phương tích cực vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu và hệ thống kênh tiêu để tiêu úng, bảo vệ lúa và hoa màu.
Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng để kịp thời hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, đò dọc. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân vớt củi trên sông, suối đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Một số hình ảnh mưa gây ngập tại khu dân cư Thái Lan nằm bên dòng sông Cửa Tiền do PV Dân trí ghi lại vào chiều 15/10:
Nhiều hộ nước ngập nhà phải mang đồ sang hàng xóm xin ở nhờ.
Nguyễn Duy