1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Ngày trở về của người đàn bà hơn 20 năm bị bán sang xứ người

(Dân trí) - Bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi mới 15 tuổi, sau nhiều lần chạy trốn không thành, đằng đẵng 23 năm, người đàn bà ấy chưa một ngày thôi khao khát trở về quê hương. Niềm hy vọng tưởng như đã vụt tắt bỗng một ngày lại trở thành hiện thực.

Hành trình đi tìm con 

Chị Lê Thị Hoa (xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn - Thanh Hóa) bị bán sang Trung Quốc vào năm 1990, khi chị mới 15 tuổi. Ngày chị rời khỏi căn nhà, bà Lê Thị Phường, người mẹ tảo tần của chị lúc ấy cũng đã gần 60 tuổi, bây giờ bà đã ngoài 80 tuổi rồi.

Chừng ấy thời gian đứa con gái út của bà thất lạc là chừng ấy những tháng ngày bà rong ruổi, lầm lũi đi khắp Việt Nam, nơi nào bà cũng đặt chân đến để mong tìm lại đứa con tội nghiệp của mình. Rồi có lần, bà theo chân người thân sang tận Trung Quốc để tìm chị Hoa khi nghe tin chị bị bán sang đó. Nhưng tất cả những bước chân của bà cũng không mang lại một hy vọng nào, ánh mắt người mẹ suốt 23 năm mỏi mòn trong vô vọng.

Người mẹ suốt 23 năm rong ruổi đi tìm con
Người mẹ suốt 23 năm rong ruổi đi tìm con

Những năm ấy dù đói khát, dù phải gồng gánh nuôi 2 đứa con ăn học, bà vẫn chắt chiu dành dụm rồi đi vay nặng lãi để có tiền đi tìm con. Thời bấy giờ bà bảo được người ta cho vay lãi là hạnh phúc lắm rồi. Những khoản vay nặng lãi mà phải cả chục năm sau đó bà mới có để trả.

Và ai có thể ngờ được chỉ cách đây một năm thôi khi ấy bà đã 80 tuổi vẫn lặn lội đi tìm “núm ruột” của mình trong tận Sài Gòn. Dường như linh cảm của người mẹ cho bà biết rằng đứa con lưu lạc ngày ấy giờ vẫn đang còn sống. Bởi vậy cái ước nguyện trước lúc nhắm mắt về bên kia thế giới bà được tận mắt nhìn thấy con trở về, được nắm lấy đôi bàn tay đứa con mà bà đứt ruột đẻ ra.

Gạt nước mắt, người mẹ ấy nghẹn ngào trong lời kể: “Đôi chân này đã mỏi mệt lắm rồi, đã đi không biết bao nhiêu nơi, đi không biết bao nhiêu ngày. Ngày đó trong nhà có cái gì là trộm nó đến mang đi hết, cả những viên gạch lát sân cũng vậy. Nhưng tôi mặc kệ, lúc đó tôi chỉ biết đi tìm con thôi”.

“Những năm 1992, 1993 cứ hết tiền là tôi lại về đi nhặt củi bán cho người ta nấu gạch, mỗi ngày cũng được 6 ống lúa, đổi được 3000đ. Đi tìm con mà cả ngày chỉ dám ăn 1 bát ngô giá 5 hào bạc. Rồi tôi nhờ người đánh giấy tìm người thất lạc, dán khắp nơi. Đêm về thì bật cái đài cát-xét đến tận 12 giờ đêm hay 1,2 giờ sáng để nghe xem có tin tức gì về con không, thời đó làm gì có ti vi như bây giờ. Sau này có ti vi rồi tôi vẫn không bỏ thói quen xem các chương trình nhắn tìm người thân, cứ qua 12 giờ đêm mới nhắm mắt đi ngủ. Vẫn cứ hy vọng biết đâu con tìm về” - bà Phường nhớ lại.

Ngày trở về - niềm vui không trọn

Vậy là sau 23 năm lưu lạc nơi xứ người, giờ đây người đàn bà ấy đã được trở về bên gia đình, người thân. Nhưng niềm vui ấy dường như không trọn vẹn bởi lẽ chị đã không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, bên kia đất nước có 4 người con, máu mủ của chị gửi lại bên đó.

Chị Lê Thị Hoa trở về sau hơn 20 năm lưu lạc
Chị Lê Thị Hoa trở về sau hơn 20 năm lưu lạc

Việc chị lưu lạc hơn 20 năm bên ấy cũng chỉ được biết qua lời kể bằng tiếng Trung Quốc của chị với một người bạn rằng, chị bị một người trong làng lừa đi bế con cho người thân của họ ở trên thị xã với mức lương bằng mấy gánh dây khoai lang ngày ấy. Tin họ, chị đã đi theo mà không xin mẹ vì nghĩ mẹ sẽ không đồng ý. Chuyến xe đưa chị đi xa mãi còn người bán chị đã ở lại.

Vậy là cuộc đời chị bắt đầu một ngã rẽ mới, người đàn bà không được học hết lớp vỡ lòng giờ đây bị bán đến một nơi đất khách quê người. Chị bị ép gả cho một người đàn ông hơn mình 10 tuổi ở Quảng Tây - Trung Quốc. Đã không ít lần chị bỏ trốn nhưng không thành. Cuối cùng chị chấp nhận ở lại làm ruộng mưu sinh và làm mẹ của 4 người con lần lượt ra đời.

Vậy nhưng chưa một ngày chị thôi hy vọng sẽ về Việt Nam tìm lại gia đình. Chỉ có duy một điều, thời gian quá dài khiến một người chưa học hết lớp vỡ lòng như chị đã dần quên đi tiếng mẹ đẻ. Ký ức về gia đình chỉ là vết chàm sau gáy người anh, nốt ruồi trên cằm người chị và mẹ thì tên Phường.

Giờ đây, cái ước mơ đoàn tụ cùng gia đình suốt chừng ấy năm đã thành hiện thực. Nhưng chị không biết tâm sự cùng ai, cũng không hiểu người thân mình nói gì. Bao nỗi lòng chất chứa của riêng chị và mẹ rồi anh chị của chị cũng không ai giãi bày được. Họ chỉ biết nhìn nhau, nói với nhau bằng những cái ôm, những giọt nước mắt.

Tình dân tộc

Nếu không có anh thì có lẽ mãi mãi cuộc đời chị chôn vùi nơi xứ sở ấy. Anh là Hỏa Ngọc Ngữ ở xóm 1, xã Nga Nhân (Nga Sơn - Thanh Hóa). Một cơ duyên khiến anh Ngữ gặp được chị nơi chị đang sống.

Cũng bị lưu lạc bên Trung Quốc suốt 18 năm, em gái của anh Ngữ một ngày tìm về cho biết đã có gia đình bên đó và có cuộc sống ổn định. Anh sang Trung Quốc thăm và giúp em gái làm nhà thì tình cờ gặp chị. Anh Ngữ đã hiểu cuộc đời lưu lạc của chị qua lời dịch của em gái. Hiểu và cảm nhận nỗi đau mình từng mất em gái, anh Ngữ đã quyết định đưa chị về dù biết hành trình đi tìm người thân cho chị cũng sẽ vô cùng gian nan.

Ngày 14/6, anh Ngữ đưa chị Hoa đặt chân xuống đất Việt Nam. Việc đầu tiên anh làm là đến các cơ quan Công an trình báo. Bắt đầu dựa vào các manh mối mà chị Hoa nhớ được, rong ruổi 3 ngày khắp các địa điểm nhưng vẫn không có kết quả nào. Anh tiếp tục tìm đến Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa để đăng tin. Và tin vui đã đến, ngày 18/6, gia đình chị Hoa nghe được đã tìm đến để nhận con, một cuộc gặp gỡ mừng vui đẫm nước mắt.

Anh Hỏa Văn Ngữ, người đã biến ước mơ của gia đình chị Hoa trở thành hiện thực
Anh Hỏa Văn Ngữ, người đã biến ước mơ của gia đình chị Hoa trở thành hiện thực

Anh Ngữ cho biết: “Lúc tôi nghe xong câu chuyện của cô Hoa, không hiểu sao tôi đã nghĩ phải quyết tâm sẽ tìm bằng được gia đình cho cô ấy và khi đưa cô ấy về dù biết sai luật vì không có hộ chiếu nhưng tôi vẫn cứ làm. Lúc đó chỉ nghĩ làm sao để đưa cô ấy tìm về được với gia đình thôi, mặc kệ những gian nan phía trước, tình người là trên hết”.

“Cô ấy không biết tiếng Việt, cũng không biết chữ nên mọi việc từ trình báo cho đến viết giấy kê khai đều do tôi làm. Gặp cô ấy có vài lần nhưng tôi xem cô ấy như em gái của tôi. Tôi nhận trách nhiệm hết về những gì tôi làm, giờ tìm được gia đình cho cô ấy là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Nguyễn Thùy