1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12: Một thế giới cho tất cả

(Dân trí) - Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) cho rằng: “Xã hội hiện nay đang được xây dựng cho số đông người, còn những nhóm thiểu số thì không được tính đến, trong đó có người khuyết tật (NKT)”.

Gian nan trước những rào cản

Ái Giang là 1 sinh viên khuyết tật, em kể lại ngày đầu tiên mình đến trường thật nhếch nhác vì em phải đẩy chiếc xe lắc tay hết sức vất vả mới tìm ngôi trường của mình. Ái Giang tâm sự: Tôi đến được trường, chiếc áo sơ mi màu xám chuột ướt ngon lành vì mồ hôi. Mệt bở hơi tai, ngước nhìn những cái bậc thang mà hết muốn lên lớp. Tôi biết làm sao! Tôi chỉ ngồi im lặng và đợi”. Và rồi chờ mãi em cũng chờ được một nhóm bạn hảo tâm bế lên cái bậc thang quái ác để vào lớp.

Cái bậc thang quen thuộc mà mọi người thường thấy trước các tòa nhà, công sở, trường học… ở các thành phố lớn và chẳng ai mấy để ý rằng đó là 1 bất tiện. Nhưng thực tế, đó là rào cản lớn đối với biết bao NKT vận động, hàng ngàn học sinh khuyết tật đã phải chấm dứt con đường học vấn chỉ vì không thể “chinh phục” cái bậc thang ấy mỗi ngày.

Và không chỉ là cái bậc thang. Khi NKT bước ra đường, trước mặt họ giăng kín “rào cản” với vỉa hè nhấp nhô, lề đường gồ ghề, những thanh chắn ngang không cho xe vào công viên, những bậc thềm không có bệ dốc… Những rào cản ấy khiến NKT chùn bước, ít người dám ra đường.

Những bậc tam cấp, những vỉa hè dốc đứng… là rào cản lớn ngăn NKT bước ra đường
Những bậc tam cấp, những vỉa hè dốc đứng… là rào cản lớn ngăn NKT bước ra đường

Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến cho biết: “Từng có 1 nhóm sinh viên Thụy Điển đến thăm DRD và ngạc nhiên vì họ tham quan TPHCM cả tuần mà hầu như không thấy NKT. Họ ngạc nhiên vì theo sách vở họ được biết Việt Nam có rất nhiều NKT do ảnh hưởng của chiến tranh và chất độc hóa học, nhưng thực tế thì họ rất ít thấy NKT ngoài đường. Điều đó không có gì lạ! Bởi NKT ở Việt Nam rất ít người dám ra đường”.

Thế giới cho tất cả mọi người

Ngày 1/12, DRD đã tổ chức Ngày hội Một thế giới cho tất cả tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Tại ngày hội này, ban tổ chức đã thiết kế 1 cuộc thi rất độc đáo: cho các thanh niên khỏe mạnh tập đi xe lăn và vượt qua các chướng ngại vật giả định mà NKT hay gặp phải trên đường. Sau cuộc thi, bạn trẻ nào cũng phải méo mặt vì quá vất vả để vượt qua các chướng ngại vật này, dù rằng họ đều là những thanh niên khỏe mạnh, không chút khuyết tật nào.

Theo thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, đó là những trở ngại mà NKT phải đối mặt hàng ngày khi “dám” bước ra đường để học tập, làm việc, hòa nhập với xã hội. Bà bất bình vì nhà nước đã quy định rõ ràng các công trình phải xây dựng theo quy chuẩn để NKT có thể tiếp cận được nhưng thực tế rất ít nơi tuân thủ, họ xây dựng chỉ nhằm phục vụ số đông là những người mạnh khỏe, không khuyết tật; còn những nhóm thiểu số, trong đó có NKT thì không được ngó ngàng tới.

Một khảo sát trong năm 2012 của DRD cho thấy: trong 1.800 công trình công cộng (bệnh viện, trường học, nhà hàng,…) trên địa bàn TPHCM được khảo sát thì chỉ có 78 công trình xây dựng đúng quy chuẩn, có thể tiếp cận cho NKT. Còn hầu hết các công trình còn lại đều “chối bỏ” NKT với những bậc tam cấp quá cao, vỉa hè không có thềm cho xe lăn NKT lên xuống, không có gờ dẫn hướng cho người khiếm thị…

Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến cho biết: “Trên thế giới hiện nay không còn quy chuẩn thiết kế đặc biệt để NKT tiếp cận nữa mà họ tiến thêm một bước tiến bộ hơn là xây dựng theo thiết kế quốc tế, tức là thiết kế dành cho tất cả mọi người; trong đó có cả NKT, người già, phụ nữ mang thai, người bất ngờ mất sức khỏe… Nhưng ở Việt Nam ta thì cái quy chuẩn dành cho NKT vẫn chưa thực hiện được”.

Theo bà, Công ước quốc tế Liên hiệp quốc lấy chủ đề Ngày Quốc tế Người khuyết tật  (3/12) năm nay là “Xóa bỏ rào cản, mở rộng cửa vì một thế giới hòa nhập cho tất cả”. Do đó, bà hy vọng thông điệp này sẽ phổ biến hơn ở Việt Nam, được công chúng quan tâm nhiều hơn để góp phần xóa bớt rào cản cho NKT mạnh dạn, tự tin bước ra xã hội, hòa nhập cùng cộng đồng.

Tùng Nguyên 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm