1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày giỗ đầu 260 nạn nhân bão Chanchu

Đúng một năm trước, bão số 1 hay còn gọi bão Chanchu đã gây nên nỗi kinh hoàng với người dân các tỉnh ven biển miền Trung với hơn 260 người chết và mất tích. Ngày 5/5, những gia đình ngư dân xấu số cùng tổ chức đại giỗ tưởng nhớ đến những ngư dân xấu số.

Cả xã làm giỗ

Từ hai hôm nay, anh Nguyễn Văn Nể đã lo thu xếp công việc để về xã Bình Minh (Thăng Bình) giúp chú ruột là ông Nguyễn Văn Nhẫn lo làm giỗ đầu cho hai đứa em Nguyễn Văn Tam và Nguyễn Văn Tứ. Tam và Tứ - lớn 26, nhỏ 24 tuổi -  là hai người con của ông Nhẫn đã thiệt mạng trong chuyến ra khơi khi bão Chanchu tràn đến.

Anh Nể cho biết: "Hồi đó, tui và chú đã túc trực 3 ngày ngoài Đà Nẵng để nhận dạng hai em. Có một cái xác, gia đình thấy hao hao giống thằng Tam, nhưng không dám nhận, vì sợ lầm. Sau này, gia đình có cử người lấy mẫu AND để xác định. Đến bây giờ cũng chưa có kết quả. Vì vậy, ở nhà chú đắp hai cái mộ gió, lập bia, đặt hình Tam và Tứ để nhớ ngày, đốt hương".

Ở thôn Bình Tân (Bình Minh), gia đình bà Nguyễn Thị Huệ cũng lập ba cái mộ gió ở trảng cát sau nhà cho chồng, ông Đặng Ngọc Lợi và hai con trai Đặng Ngọc Tư, Đặng Ngọc Năm...

Cả xã Bình Minh có 72 gia đình làm giỗ đầu cho 86 người thân của mình vào ngày 5/5. Theo ông Trần Công Lồng - Chánh văn phòng xã Bình Minh, tính ngày dương lịch thì người dân Bình Minh làm giỗ đầu sớm hơn 12 ngày so với thảm họa Chanchu, song bà con tính ngày âm lịch để làm giỗ.

Về phía xã, đêm 17/5 (nhằm ngày 21/3 âm lịch) Hội Người cao tuổi sẽ thắp 86 ngọn nến dọc bờ biển và tổ chức đêm tưởng niệm cho những người không may.

Vượt qua nỗi đau

Chợ Quán Hộ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vắng vẻ hơn thường ngày. Có đến gần 40 quầy hàng đóng cửa. Ông Nguyễn Xuân Hợi, Trưởng ban Quản lý chợ giải thích: "Các sạp hàng đóng cửa là của thân nhân những ngư dân xấu số trong bão Chanchu. Họ ở nhà lo đám giỗ chồng, con".

Thông cảm với hoàn cảnh chị em trong hoàn cảnh ngặt nghèo, UBND quận Thanh Khê đã tạo điều kiện, vận động, giúp đỡ họ vào buôn bán, làm ăn tại chợ Quán Hộ vừa mới được xây dựng. Thân nhân của nạn nhân cơn bão Chanchu chỉ đóng chưa đến 50% mức phí để kinh doanh một sạp hàng.

Người duy nhất không đóng sạp để về làm giỗ, chị Nguyễn Thị Nhàn (P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê) là chủ sạp hàng hương đèn, vợ của nạn nhân Mai Văn Dân.  Mắt chị đỏ hoe khi nghe mọi người nhắc chuyện cũ: "Vì năm ngoái là năm nhuần, theo phong tục, cách tính khác nhau nên tháng sau tôi mới làm giỗ cho ông ấy. Còn mấy chị em khác tính đủ 12 tháng nên tổ chức ngày nay, ngày mai".

Rồi chị tiếp: "Ban đầu cũng có khó khăn nhiều do chưa quen, nhưng còn kiếm được đồng vào đồng ra xoay cho 4 đứa con. Cũng may là còn có việc làm, chứ ở nhà thì tôi không biết tính sao!".

Đổi thay ở vùng cát

Một năm qua nhanh, cuộc sống, sinh hoạt dần đã trở lại bình thường trên vùng cát nghèo Bình Minh. Ông Trần Công Lồng cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Thăng Bình đã quyết định đầu tư hơn 4 tỉ đồng để xây mới trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, đường Tân An và các trường học ở Bình Tân, Tân An...

Những công trình nước sạch, Đài phát sóng FM, Đài phát sóng ICOM tầm xa cũng đã được xây dựng để giúp người dân ở Bình Minh có thể liên lạc trực tiếp với những người thân của mình đang ở tận khơi xa.

Ngoài ra, một chương trình đào tạo nghề đan mây - tre  và nghề may miễn phí dành cho phụ nữ và lao động trẻ đã thu hút hàng chục người tham gia. 15 tàu đánh bắt ven bờ được đầu tư đóng mới, những phân xưởng sơ chế cá bò, cá cơm, ruốc cũng được xây dựng, mở ra những cơ hội việc làm cho người dân Bình Minh, trong đó có thân nhân của những người đã mất.

174 học sinh là con của nạn nhân bão Chanchu ở xã Bình Minh được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình hằng năm đã có thêm chi phí để an tâm cắp sách đến trường... "Đến thời điểm này, cuộc sống của 72 hộ gia đình có người thân mất tích trong bão Chanchu đều đã ổn định" - một cán bộ xã Bình Minh khẳng định chắc nịch với chúng tôi.

Theo Hữu Trà - Phương Thảo
Báo Thanh niên