1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngày 8/3 không hoa

(Dân trí) - Những chị bán hoa vừa chạy đội trật tự phường vừa hồ hởi, chẳng mấy khi được tăng giá hoa. Với các chị, hôm nào hoa ế, "được" mang hoa về nhà cắm, hôm ấy là ngày 8/3...

8/3 không về từng góc phố

Dọc đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân (Hà Nội) ngày nào cũng diễn ra cái cảnh đội trật tự phường vất vả “đuổi bắt” những người phụ nữ quê mùa tranh thủ lúc tan tầm bày bán hoa tươi bên vỉa hè. Sáng 7/3, những cuộc “đuổi bắt” vẫn diễn ra như mọi ngày.

Ôm thúng hoa trước ngực, hai mắt đảo khắp xung quanh thảng thốt, chị Nguyễn Thị H. hổn hển: “Sắp đến ngày 8/3, hoa tươi bán chạy và được giá hơn ngày thường nên chị em trồng hoa chúng tôi tranh thủ đi bán sớm. Chắc biết như vậy nên đội trật từ lượn qua lượn lại mấy lần liền”.  
 
Ngày 8/3 không hoa - 1
Hàng hoa ven đường vừa bán vừa chạy. (Ảnh Q.C)
 
Nói rồi chị H cùng những người bán khác lại tất bật với gánh hoa. Tranh thủ kiếm thêm chút tiền ngày 8/3, họ có lẽ quên mất mình cũng là phụ nữ. Những cán bộ mẫn cán trong đội trật tự phường cũng vậy, với họ nhiệm vụ là nhiệm vụ, không thể nhân nhượng cho cánh phụ nữ bán rong chỉ vì sắp đến ngày
8/3.
 
Tôi đi về phía cầu Trắng, Hà Đông, thấy “chợ người” vẫn tấp nập chị em. Với họ, ngày 8/3 không có nghĩa lý gì nếu hôm đó họ không được ai thuê làm việc. Chị Lê Thu T. ở Ý Yên - Nam Định tâm sự: “Năm nay đứa lớn của tôi thi đại học mà tôi chưa biết xoay sở thế nào. Ở quê hết việc, ra đây cũng bấp bênh lắm”. Hỏi chị về ngày 8/3, chị thở dài: “Với chúng tôi ngày nào mà chả như ngày nào”.
 
Ngày 8/3 không hoa - 2
 
Dù lệnh cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô đã được ban hành nhưng ở hầu khắp các ngõ ngách vẫn thấy thấp thoáng những chị em xe đạp, nón lá tất tả với gánh hoa quả, hoa tươi, hàng xén,... như họ vẫn tất tả với cuộc mưu sinh.

Chị Ngọc (Thanh Ba, Phú Thọ) bán hàng hoa quả nhưng những ngày lễ chị lại bán cả hoa kiếm thêm. Chị tâm sự: “Không mong nhận được một lời chúc, một món quà, chỉ cần có việc là đủ. Năm nay kinh tế khó khăn những người như chúng tôi cũng khó khăn theo thì nghĩ gì tới ngày kỷ niệm này chứ”.

Chị Vân (Lý Nhân, Hà Nam) thì bồi hồi, ngày 8/3, chị chỉ mong được ăn một bữa cơm cùng chồng con mà không được.  

Những người phụ nữ ấy, tranh thủ giờ vắng khách, họ vui vẻ đùa: “8/3 chỉ cho các bà giàu có thôi chứ những hôm nào ế hàng còn đầy hoa, chẳng là ngày 8/3 của bọn em là gì”.
 
Ngày 8/3 không hoa - 3
 
(Ảnh: Phương Thủy)
 
Tiếng chổi tre

Không riêng những ngày lễ, tết mà đêm nào cũng thế, những tiếng chổi tre của các chị lao công đều nặng gánh rác, đều đặn trong đêm. Mọi năm, sau 8/3, các chị lại lặng lẽ dọn sạch những bó hoa, cành hoa vứt chỏng trơ bên đường, dưới rãnh nước. Nhìn những bó hoa còn tươi nằm gọn trong thùng rác, cũng có đôi lần các chị tiếc rẻ, giá như... 

Tôi phải chờ rất lâu cho đến khi công việc của họ kết thúc. Một chút thảnh thơi của cuối ngày làm việc, chị Bùi Thị D. ngồi bệt xuống vỉa hè đường Nguyễn Trãi: “Đêm nay còn đỡ chứ đêm mai, các cô cậu yêu nhau tặng hoa rồi buổi khuya vứt bừa bãi đầy đường. Chúng tôi lại tha hồ mà quét chứ vui gì ngày 8/3”. Hỏi chị có niềm vui gì trong ngày này không, chị không nói gì, đứng dậy quét nốt quãng đường còn lại.
 
Thấy vậy, chị đồng nghiệp Nguyễn Thị T. ghé tai nói nhỏ: “Chị ấy năm nay đã ngoài 40 tuổi mà đã có chồng con gì đâu”. Tôi thấy ân hận vì mình đã lỡ chạm vào nỗi buồn của chị.
 
Ngày 8/3 không hoa - 4
Đêm 8/3, công việc của họ sẽ nặng nhọc hơn bởi những bó hoa.
 
Ai đó cứ bảo phố phường về đêm tĩnh lặng và vắng vẻ lắm. Nhưng với các chị, đêm mới là ngày. Chia tay chị D, tôi lượn xe một vòng khắp các con đường, đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng dáng cần mẫn của các chị lao công. Giờ nghỉ giải lao, họ ngồi tụm lại cùng nhau trò chuyện về gia đình, con cái, về giá cả đắt đỏ, nói với nhau rằng mua mớ rau cũng mặc cả từng đồng, nói gì chuyện phung phí mua hoa...

Thế Cường