Thầm lặng những cuộc đời
(Dân trí) - Đó là những người phụ nữ đã dành cả cuộc đời của mình để chăm sóc cho trẻ mồ côi ở làng SOS - Gò Vấp. Tiếng cười trẻ thơ, những tiếng gọi mẹ... là những món quà quý nhất mà các chị nhận được trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Ngày ấy...
Giống như bao người mẹ ở trung tâm, chị Lê Ngọc Quý bắt đầu vai trò làm mẹ 19 năm về trước. Là cô gái của xứ dừa huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, chưa một lần biết cuộc sống vợ chồng, nhưng chị đã tìm cho mình niềm hạnh phúc thật sự là trở thành mẹ của 10 đứa con ở làng trẻ SOS Gò Vấp.
Năm 18 tuổi chị Qúy được cha mẹ “gợi ý” lập gia đình với một người mà chị chưa hề gặp mặt, chị không bằng lòng và “chống” lại mối lương duyên này dù biết làm vậy cha mẹ buồn, chị vẫn quyết định đi theo con đường mà mình đã chọn. Đơn giản bởi chị Qúy lúc nào cũng mang suy nghĩ về những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa cần có tình thương của một người mẹ, còn chị có tấm lòng của một người yêu trẻ. Và họ đã tìm đến nhau!
Cách đây 17 năm cũng tại Bến Tre, một người phụ nữ đã rời vùng quê đến với những mảnh đời bất hạnh, chị là Huỳnh Thị Ngọc Re. Ngày chị đến với làng trẻ cũng là bước ngoặt của cuộc đời chị. Gia đình, người thân hết sức can ngăn nhưng đều vô vọng.
Bỏ lại sau lưng những kỷ niệm, vướng bận của riêng mình, chị Re tìm đến với những đứa trẻ, dù lúc đó chị không biết con đường mình đã chọn bằng phẳng hay gập gềnh, nhưng cái chắc chắn mà chị xác định được đó là chị đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Chị Re tự hào vì đàn con thông minh, khỏe mạnh
Và bây giờ...!
Đang là những người phụ nữ độc thân bỗng chốc trở thành mẹ của chục đứa trẻ, từ ngày đầu tiên làm mẹ cho đến bây giờ đã 19 năm là khoảng thời gian vui, buồn vô vàn cảm xúc với các bà mẹ.
Chị Qúy tâm sự về khoảng thời gian đầu khó khăn nhất: “bọn trẻ mỗi đứa một tính, quen với cuộc sống tự do, thiếu nề nếp nên thường xuyên phải chỉ bảo, uốn nắn những biểu hiện, suy nghĩ tiêu cực của các con đề chúng có thể hòa nhập với mọi người”.
Hiện chị đang làm mẹ trong ngôi nhà mang tên “Hoa Thiên Lý”, tên nhà do chính chị đặt. Một cái tên đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa. Chị Qúy hiểu rằng “dặm đường dài” đang chờ mình ở phía trước, phải có tình yêu và sự đồng cảm với các “con” thì mới vượt qua được những “dặm đường” đó.
Chị Quý và con gái
Vào dịp lễ tết, những gia đình nhỏ này lại trở về với đại gia đình trong làng trẻ. “8/3 năm nào cũng vậy các con lại tập trung về đây, đó là món quà ý nghĩa nhất mà tôi nhận được”, chị Qúy bồi hồi.
Gia đình mang tên Thanh Trúc là của chị Đỗ Quỳnh Hương. Vào những ngày tết hay dịp nghỉ hè, chị Hương lại đưa các con của mình về quê, các cháu đã trở thành người thân trong gia đình.
Chị Hương kể: “mỗi lần đưa các cháu về mẹ tôi rất vui, mấy đứa nhỏ cứ quấn quýt bên bà ngoại, dân làng nhìn vào họ cũng mừng cho tôi. Mà quan trọng nhất là các cháu nó thấy các bác, các cô vui vẻ thân thiện... thế là các cháu tự gắn bó hơn”.
20 mái ấm trong làng trẻ SOS - Gò Vấp là hai mươi niềm hạnh phúc. Chính từ những ngôi nhà này, nhiều trẻ mồ côi đã trưởng thành. Có những em khi mới nhận vào chỉ 5 ngày tuổi, rồi các em lớn lên, thành những người con hiếu thảo, những công dân có ích cho xã hội.
Chị Re trong vòng tay yêu thương của các con
Lời chúc mừng ngày 8 tháng 3
Ngày 8/3 lại đến, cuộc sống đời thường có vẻ hối hả, tấp nập hơn, những người mẹ trong làng trẻ SOS cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của ban lãnh đạo làng, và ý nghĩa nhất vẫn là những lời chúc đơn sơ, hồn nhiên của các con mà mình nuôi dạy.
“Ngày Quốc tế phụ nữ là ngày tôn vinh những người phụ nữ, những người mẹ đã thầm lặng dạy giỗ, đưa chúng con hòa nhập với xã hội. Nhân dịp này con chúc tất cả phụ nữ vui vẻ, hạnh phúc. Chúc riêng các mẹ trong làng luôn mạnh khỏe để tiếp tục dẫn dắt chúng con vững bước vào đời, chúng con hứa sẽ vâng lời, học tập thật tốt để các mẹ vui” - Đó là lời của Thảo Diễm, 15 tuổi ở mái ấm Thanh Trúc.