"Ngành y tế đang trải qua những thách thức chưa từng có"
(Dân trí) - Sáng 13/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ba năm qua ngành y tế trải qua những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), trong ba năm qua, ngoài đảm bảo công tác chuyên môn, toàn ngành dốc sức tham gia khống chế đại dịch covid-19. "Đây thật sự là một cuộc chiến cả về thể chất lẫn tinh thần với các nhân viên y tế. Hiện nay, chúng ta có thể tự tin khẳng định, dịch bệnh đã được kiểm soát", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ trước Quốc hội.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, khi mà hệ thống chính sách, văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế chưa cập nhật kịp thời, tháng 7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30. Trong đó Quốc hội đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết những vấn đề có thể chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, nhưng cần thiết để kịp thời đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đây là việc làm chưa có trong tiền lệ, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh và cũng là minh chứng cho thấy sự cần thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, đây không chỉ là kim chỉ nam để ngành y tế vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn là định hướng lâu dài cho ngành y tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung Tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Tham gia một số ý kiến cụ thể để hoàn thiện dự luật, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh là giải pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, nội dung này trong Dự thảo Luật không có gì mới, chủ yếu là quy định mang tính nguyên tắc và chưa làm rõ được cơ chế huy động, thu hút nguồn lực xã hội hóa so với quy định trước đây.
Do vậy, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung thêm một khoản tại điều 90 của dự luật quy định về việc nhà nước khuyến khích các mô hình y tế phi lợi nhuận, đầu tư với trách nhiệm an sinh xã hội bằng các cơ chế về đất đai, tín dụng, thuế.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trong Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đặc biệt quan tâm tới cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Việt Nam là đất nước có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở với quy mô hàng đầu thế giới (trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TPHCM lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí 1 trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên.
Trong những năm vừa qua, dù có nhiều giải pháp cho tuyến y tế cơ sở, cụ thể như: Tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các giải pháp này đều chưa phát huy hiệu quả.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ, nhưng cần có mô hình cụ thể. Trong đó, cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế.
"Y tế cả nước đang chao đảo"
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chia sẻ, 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật, quy định pháp lý y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ. Theo đại biểu, những quy định của luật pháp không còn phù hợp với phòng chống dịch đã "bó tay" ngành y, không thỏa đáng với những đóng góp của cán bộ ngành y.
Theo ông Nguyễn Anh Trí, cán bộ y tế ở cơ sở làm ngày làm đêm, bất chấp nguy hiểm, khó khăn chống dịch nhưng thù lao trực đêm chỉ có 18.600 đồng/đêm. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt y tế cơ sở đã xin thôi việc. Bên cạnh đó, do luật sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên "xà xẻo, chấm mút, chia chác" và "cơn bão Việt Á đã nổi".
"Y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch Covid-19 trong hoạt động bảo vệ nhân dân nay đang bải hoải đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định tan vỡ, tạm nghỉ", ông Trí nói.
Trong khi, Sở y tế, Bộ Y tế bị đình đốn vì đang phải bận làm giải trình về công tác thanh tra, điều tra.
Từ những nhận xét trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự; cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế; ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề pháp lý về ngành y tế.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.
Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các ý kiến đóng góp không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà còn làm rõ những tâm huyết, nỗ lực của toàn ngành y tế, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những bất cập ngành y tế nói chung, công tác khám, chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay mặc dù chúng ta thực hiện Luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn nhưng đến giờ này thì chúng ta mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ.