1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải:

Ngành điện còn rất nhiều yếu kém!

(Dân trí) - “Là một bộ trưởng xuất thân từ ngành điện, tôi xin nhận là ngành điện còn nhiều yếu kém, nhất là năng lực quản lý kinh doanh. Chúng tôi xin hứa sẽ thực hiện tốt hơn” - Thêm một lời hứa từ Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải.

Mở đầu phần giải trình bằng văn bản, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nhận khuyết điểm về vụ điện kế điện tử tại Công ty điện lực TPHCM. “Đây là  bài học đắt giá, bởi ngoài tổn thất về cán bộ, của cải vật chất, còn là sự mất mát về uy tín, lòng tin của khách hàng đối với ngành điện”, ông nói.

 

Bộ trưởng cho biết, khi có thông tin trên báo, Bộ Công nghiệp đã chỉ đạo EVN làm rõ, báo cáo. Sau đó do tình hình phức tạp, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Hiện nay, cơ quan công an đã khởi tố vụ án và đang điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Lãnh đạo Tổng công ty điện lực Việt Nam cũng đang phải kiểm điểm.

 

Về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng cho biết, đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn Nhà thầu đăng kiểm. Hiện, chủ đầu tư, địa phương và nhà thầu đang tích cực chuẩn bị các công việc để tiến hành lễ khởi công dự án vào ngày 28/11/2005 này.

 

Về giá điện, theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, giá điện mà Tổng công ty mua từ các nhà máy điện IPP và BOT hiện đã cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Năm 2005, giá mua điện bình quân là 740 đ/KWh, cộng với chi phí và tổn thất truyền tải, giá mua tính đến khách hàng là 1.058 đ/KWh. Với giá bán bình quân hiện nay là 782 đ/KWh, Tổng công ty đã phải bù lỗ 276 đ/KWh (tương đương 2.800 tỷ đồng năm 2005)...

 

Sau giải trình của Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, tỉnh Bắc Giang “mở hàng” chất vấn bằng câu hỏi: “Bộ trưởng trả lời xem giá điện sinh hoạt cho nhân dân có thể ổn định được 5 - 10 năm không?”.

 

Theo Bộ trưởng, việc bình ổn giá điện trong 5 - 10 năm là rất khó khăn vì nếu so với các nước trên thế giới giá điện chúng ta bằng 1/5, với các nước phát triển hơn thì chúng ta chỉ bằng 1/10 và theo lộ trình đến năm 2020 VN có thể đạt 2.080 kWh/người, lúc đó chúng ta mới chỉ bằng Thái Lan bây giờ.

 

Không đồng tình với lý giải trên, đại biểu Nguyễn Đức Dũng, tỉnh Kontum nhận xét "đó lý lẽ của người kinh doanh điện, còn người tiêu dùng thấy càng ngày càng phải dùng điện đắt. Trong khi ở các nước tiên tiến càng dùng nhiều điện càng rẻ, không biết có phải do quản lý kém mà đưa tất cả chi phí vào cho dân chịu hay không?"

 

Bộ trưởng Hải giải thích, chúng ta không có mục tiêu đuổi kịp giá khu vực. Không bao giờ Thủ tướng để ngành điện ở lãi cao. Từ trước tới nay ngành điện chưa bao giờ vay được thị trường. Thủ tướng chỉ cho phép ngành điện huy động vốn từ thị trường trái phiếu. Hiện nay, ngành đang nợ 3 tỷ USD mà không thể huy động ngân sách nào, vì vậy bắt buộc phải huy động từ khách hàng.

 

Đại biểu Hoàng Văn Xim, tỉnh Hà Tây hỏi: “Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau và dự án lọc dầu Dung Quất đến nay chậm tiến độ và tăng vốn đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do khảo sát có sai sót. Trách nhiệm thuộc về ai?”. Lỗi chính được Bộ trưởng xác định là ở khâu tư vấn thiết kế. Các dự án của chúng ta đầu tư vào khâu khảo sát tư vấn rất thấp nên nhiều dự án bị phát sinh.

 

“Vì sao công nghiệp cơ khí chế tạo máy của Việt Nam còn nhiều bất cập như sản xuất linh kiện ôtô, chế biến nông sản thực phẩm không đáp ứng được, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng cho giải pháp gì?”, đó là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Hữu Đồng, tỉnh Nam Định.

 

Trả lời cho câu hỏi trên, Bộ trưởng nói: “Hiện nay ngành cơ khí chế tạo của chúng ta thấp, chỉ chiếm 20% tỷ trọng phát triển công nghiệp. Ví dụ ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam còn rất nhỏ bé, trên đất nước chúng ta có khoảng 500.000 chiếc, trong đó 30% là xe con. Nếu so với con số  5 - 6 triệu xe/năm ở thị trường các nước, chúng ta chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển. Với quy mô phát triển như vậy, chúng ta rất khó khăn. Mặc dù có định hướng nhưng chưa thể phát triển nhanh.”

 

Trong lĩnh vực cơ khí phục vụ chế biến thì tính liên kết, hợp tác của chúng ta rất yếu. Để cạnh tranh, ta phải cổ phần hoá, tránh đầu tư khép kín, phải xây dựng thành hiệp hội cơ khí thì mới phát triển được.

 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) quan tâm đến lĩnh vực công nghệ sinh học: "Ngành công nghệ sinh học liên quan tới rất nhiều ngành Công nghiệp. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy Bộ trưởng nhắc đến ngành này. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để bứt phá ngành công nghệ sinh học?".

 

Bộ trưởng khẳng định, đây là ngành mũi nhọn trong vòng 20 năm tới. "Chúng tôi sẵn sàng và phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu lĩnh vực này. Bộ công nghiệp sẽ phối hợp các Bộ để lập đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này”, ông Hải nói.

 

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, tỉnh An Giang: "Ngành Công nghiệp có nhiều dự án đầu tư công trình lớn. Bộ trưởng thấy có cần thiết tăng cường kinh phí cho khâu nghiên cứu đầu tư hay không?", Bộ trưởng khẳng định là có.

 

Chiều nay 25/11, Quốc hội tiếp tục làm việc với phần chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Mai Ái Trực và Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến.

 

Đức Hòa - Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm