Bình Định:
Ngăn thảm họa dầu tràn ở vùng biển 10 tàu hàng bị bão nhấn chìm
(Dân trí) - Ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Bình Định và các đơn vị cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu do 10 tàu hàng bị chìm và mắc cạn ở vịnh Quy Nhơn do bão số 12.
Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn - Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đến sáng 7/11, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm kiếm được 81/84 người, trong đó có 71 người được cứu sống, 10 người chết.
Về ứng phó với sự cố tràn dầu, ngày (5/11), lực lượng cùng lãnh đạo tỉnh đã kiểm trực tiếp vị trí 3 tàu chìm nhưng chưa phát hiện có vết dầu loang.
Hôm qua (6/11), tỉnh đã sử dụng 2 tàu đưa 14 chuyên gia đi kiểm tra cũng không phát hiện dầu tràn, nhưng có mùi dầu. Trên bờ, tỉnh cử lực lượng dân quân tự vệ để trinh sát dọc bờ biển cũng chưa phát hiện dầu tràn vào bờ.
“Hiện nay, ở các tàu chìm, dầu chưa loang ra nhưng khi trục vớt thì khả năng tàu có thể bị rò rỉ dầu”- Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Sơn Định - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung - cho biết thêm: “Hiện chưa phát hiện dấu vết dầu tràn tại vị trí của 8 chiếc tàu chìm và nghiêng. Tuy nhiên, khi trục vớt thì nguy cơ cao sẽ xảy ra tràn dầu” - ông Định nói.
Đồng thời, ông Định cũng xuất các phương án chủ động dùng phao để bao vây, hút dầu nếu xảy ra sự cố.
Liên quan đến đến vụ chìm nhiều tàu ở vịnh Quy Nhơn, thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ những mất mát đối với các chủ tàu, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân các thuyền viên mất tích.
“Lo lắng nhất của tỉnh hiện nay là sự cố môi trường biển từ các con tàu chìm. Đây là lần đầu tiên, ngay tại cửa vịnh Quy Nhơn xảy ra việc hàng loạt tàu hàng cỡ lớn bị chìm, mắc cạn. Nếu xảy ra tràn dầu thì đây là một thảm họa đối với môi trường biển nói chung, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến thành phố du lịch biển Quy Nhơn. Vì vậy, Bình Định rất mong Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các đơn vị nghiệp vụ hỗ trợ, xử lý không để xảy ra sự cố khi trục vớt các tàu chìm”- ông Tùng mong muốn.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá rất cao sự vào cuộc kịp thời và những nỗ lực của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung và tỉnh Bình Định trong việc ứng phó với những hậu quả rất nặng do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Định.
“Công việc cấp bách cần phải làm ngay là trục vớt, cứu hộ các tàu bị chìm, không để xảy ra sự cố môi trường. Bên cạnh đó, ưu tiên tìm kiếm, cứu nạn những nạn nhân còn mất tích, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, phải chủ động và nỗ lực hết sức để ngăn sự cố môi trường trong quá trình cứu hộ các tàu chìm. Bởi nếu xảy ra sự cố thì không chỉ Bình Định bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà nhiều tỉnh cũng bị ảnh hưởng”- ông nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thống nhất với đề xuất của lãnh đạo Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung là phải thực hiện đồng thời 3 biện pháp: hút hết dầu trong các con tàu chìm, dùng phao vây trong quá trình hút và cứu hộ tàu, dùng hóa chất để trung hòa nếu có lượng dầu tràn nhỏ để đảm bảo 100% không xảy ra sự cố môi trường.
Đối với các tàu chở clinke, quặng apatit và than, Bộ trưởng Hà đề nghị tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng bố trí vị trí để chứa các vật liệu trên tàu khi trục vớt các tàu.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng các đơn vị liên quan đã trực tiếp thị sát tại vị trí các tàu bị chìm, đồng thời kiểm tra chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường.
Nguy cơ xảy ra tràn dầu khi trục vớt các tàu xảy ra rất cao nên cơ quan chức năng đã lên phương án rất chặt chẽ không để ô nhiễm vùng biển Quy Nhơn.
Doãn Công