Ngắm 12 phương án quy hoạch quảng trường trung tâm Đà Nẵng
(Dân trí) - Đà Nẵng đang lấy ý kiến đánh giá 12 phương án thi tuyển quy hoạch kiến trúc Quảng trường trung tâm Đà Nẵng. Từ đó chọn ra phương án tối ưu, làm cơ sở triển khai thiết kế đầu tư xây dựng.
Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) đang lấy ý kiến đánh giá 12 phương án tham dự cuộc thi "Phương án quy hoạch kiến trúc Quảng trường - Bảo tàng dọc trục Trung tâm hành chính thành phố - Bạch Đằng - Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan" (gọi tắt là Quảng trường trung tâm thành phố).
Theo quy hoạch, Quảng trường trung tâm Đà Nẵng thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, tổng diện tích hơn 16,2ha. Thành phố yêu cầu quy hoạch và thiết kế kiến trúc, cảnh quan khu vực phù hợp với định hướng của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được phê duyệt.
Khu vực này có di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, do đó xác định đây là quảng trường lịch sử, văn hóa, nơi ghi nhận dấu ấn của người Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước đi đầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.
Trong hình là phương án thi tuyển AH68 (chi tiết tại đây), ý tưởng chủ đạo là mặt nước được diễn tả bởi hình ảnh những con sóng mang hương vị của thành phố biển, len vào lòng phố, mềm mại, uốn lượn trải dài theo hai chiều của quảng trường lan tỏa và kết nối với sông Hàn. Bố cục kiến trúc các đường chéo bề mặt quảng trường tạo cảm giác mở ra vô tận.
Phương án thi tuyển TK45 (chi tiết tại đây) giới thiệu Quảng trường Rồng mang trong mình sự giao thoa xưa - nay, từ Thành Điện Hải (di tích quốc gia đặc biệt) vững chãi trước bóng kẻ thù, cho đến trung tâm hành chính tọa lạc vững chãi, vươn cao điều hành đưa thành phố non trẻ trở thành một trong các thành phố đi đầu, gương mẫu trong cả nước.
Phương án dự thi BA35 (chi tiết tại đây) với ý đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị là thiết lập không gian tôn nghiêm, dùng các trục nghi lễ để gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị lịch sử, tinh thần và ý nghĩa chính trị đặc biệt của Quảng trường Thành Điện Hải.
Phương án DH13 (chi tiết tại đây) với ý tưởng thiết kế chính "Tái hiện và lưu giữ dòng chảy thời gian".
Phương án HD01 (chi tiết tại đây) với cảm hứng thiết kế "Non - Nước" và ý tưởng thiết kế như một dòng chảy văn hóa - lịch sử xuyên qua các thăng trầm của lịch sử, xuyên qua không gian - thời gian, kết nối những giá trị sâu sắc của đất và người Đà Nẵng.
Phương án MA22 (chi tiết tại đây) với tầm nhìn trở thành không gian có hình ảnh đô thị cao, có đặc trưng nơi chốn; hài hòa hình thái kiến trúc cảnh quan lịch sử và đương đại, với các hoạt động văn hóa, chính trị, lễ hội đa dạng, năng động, đảm bảo hấp dẫn, an toàn, an ninh, bền vững, thu hút cư dân, du khách.
Phương án QT23 (chi tiết tại đây) với kiểu quảng trường đề xuất mới, có cấu trúc 3 lớp theo chiều đứng. Các lớp lần lượt đảm nhận chức năng kỹ thuật hạ tầng, chức năng dịch vụ và lớp cao nhất đóng vai trò là không gian quảng trường chính.
Phương án QT43 (chi tiết tại đây) với ý tưởng thiết kế từ câu chuyện Rồng và Phụng cùng với việc Đà Nẵng đã gắn liền biểu tượng cầu Rồng, mong muốn xây dựng thêm những mảnh ghép còn lại, đây là lý do hình ảnh chim Phụng được lấy làm nguồn cảm hứng chính…
Phương án TL06 (chi tiết tại đây) với ý tưởng cốt lõi của quy hoạch là tập trung vào việc xây dựng sự mở rộng các không gian công trình văn hóa, hành chính hiện hữu, thông qua việc xây dựng các quảng trường và các trục trung tâm hướng về sông Hàn.
Phương án VA81 (chi tiết tại đây) với ý tưởng tổng thể "Đà Nẵng PIERS" gồm: Công viên hai bờ sông Hàn, hoạt động sáng tạo và đổi mới, hình thành nơi chốn giải trí đa tầng, chiến lược hồi sinh vùng di sản, chuỗi hành trình trải nghiệm ven sông.
Phương án UC24 (chi tiết tại đây) với tầm nhìn tạo ra một quảng trường trung tâm sôi động, bền vững dọc theo bờ sông. Vị trí độc đáo của Thành Điện Hải tạo nên đặc điểm phát triển của quảng trường, phố đi dạo ven sông. Tạo ra một không gian công cộng thích hợp để tôn vinh các di sản lịch sử, văn hóa, đồng thời thúc đẩy các giới hạn mới trong thiết kế sáng tạo dọc theo lối đi dạo ven sông.
Phương án VK89 (chi tiết tại đây).
Tổng mức đầu tư của dự án Quảng trường trung tâm Đà Nẵng dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù khoảng 136 tỷ đồng.
Dự án Quảng trường trung tâm Đà Nẵng, gồm 3 khu:
Khu A có diện tích 10,69ha, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng, Quang Trung, bờ Tây sông Hàn.
Khu B có diện tích 2,37ha, tại bến du thuyền cảng sông Hàn.
Khu C có diện tích 3,16ha, được giới hạn bởi các đường Trần Phú, Quang Trung, bờ Tây sông Hàn, cầu Sông Hàn (bao gồm Bảo tàng Đà Nẵng, thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng).
Ảnh: Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng