1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyên gia Nhật Bản:

"Nếu tiếp tục xả nước vào sông Tô Lịch, chúng tôi đã có cách ứng phó"

(Dân trí) - TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, đã có cách bảo vệ thành quả của dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản nếu việc xả nước từ Hồ Tây vào con sông này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.

"Việc xả nước là đúng nhằm đảm bảo an toàn thoát lũ cho Hồ Tây"

Chiều 18/7, trao đổi với báo chí, TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết: "Thời gian tới đây chúng tôi đã xây dựng phương án để làm sao những tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor kích hoạt vi sinh vật có lợi. Nếu xả nước từ Hồ Tây vào khu thí điểm của chúng tôi tại sông Tô Lịch một lần nữa hoặc xả với tốc độ mạnh hơn thì cũng không thể cuốn trôi được vi sinh vật có lợi này. Tôi khẳng định, nước Hồ Tây không thể cuốn trôi kết quả thí nghiệm bằng công nghệ Nhật ở sông Tô Lịch nữa".

Nếu tiếp tục xả nước vào sông Tô Lịch, chúng tôi đã có cách ứng phó - 1

TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản.

Khi phóng viên đề nghị TS.Takeba Akira nói rõ hơn phương án "bảo vệ thành quả" trên, vị chuyên gia này nói "xin được giữ bí mật".

Phóng viên báo chí tiếp tục đặt câu hỏi: Trước khi Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (gọi tắt là Công ty thoát nước Hà Nội) mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch (gần khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản) có thông báo cho đơn vị ông không?

TS.Takeba Akira trả lời: "Tôi không nhận trực tiếp thông báo nhưng khi kiểm tra lại người của dự án thì họ nói có nhận được tin nhắn từ phía Công ty thoát nước Hà Nội lúc 9h30 ngày 9/7, sau đó khoảng 10 - 15 phút thì họ tiến hành xả nước. Với khoảng thời gian ngắn như vậy chúng tôi không xoay xở kịp.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khẳng định rằng việc xả nước như vậy là hoàn toàn đúng, nhằm đảm bảo an toàn thoát lũ cho Hồ Tây khi đang trong mùa mưa. Chúng tôi không quy trách nhiệm cho đơn vị nào, việc xả nước này ảnh hưởng đến kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch thì chúng tôi báo cáo lại với các bộ, ban ngành của Việt Nam để làm lại từ đầu". 

Nếu tiếp tục xả nước vào sông Tô Lịch, chúng tôi đã có cách ứng phó - 2

GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn đánh giá, công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch tại chỗ bước đầu cho kết quả khả quan. Khi dòng sông được làm sạch bằng công nghệ này, chúng ta bơm nước vào tạo dòng chảy để lan tỏa về phía hạ lưu, từ đó nguồn nước cuối dòng sông cũng được cải thiện.

"Ảnh hưởng đến kết quả của chúng tôi thì chúng tôi làm lại"

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, trước khi triển khai công tác thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch, ngày 16/5, Công ty Thoát nước Hà Nội và đại diện các sở ngành đã thông tin cho phía thực hiện dự án này về việc tuyến sông Tô Lịch là sông thoát nước có vai trò chính trong công tác tiếp nhận nước mưa và điều tiều tiết mực nước cho Hồ Tây (khi vượt có quy định thì phải hạ mực nước). Thời điểm thử nghiệm nằm trong mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm). 

Từ lý giải trên của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, ngay từ đầu các chuyên gia Nhật Bản phải biết và lường trước được sẽ có việc xả nước. Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, TS.Takeba Akira cho biết: Trước khi thực hiện dự án trên, các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu kỹ dòng sông Tô Lịch, trong đó có tính toán được mỗi ngày dòng sông này nhận khoảng 150.000m3 nước thải từ gần 300 cống lớn nhỏ chạy dọc 2 bên bờ sông. 

"Chúng tôi biết từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là Hà Nội vào mùa mưa. Nhưng theo dữ liệu chúng tôi nghiên cứu, Hà Nội không hề xả nước với khối lượng lên tới hơn 1 triệu m3 vào dòng sông Tô Lịch như mấy ngày qua. Việc xả hơn 1 triệu m3 nước như vậy là gấp khoảng 10 lần khối lượng nước thải đổ vào dòng sông này hàng ngày. Do đó, việc xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào mà chỉ chảy qua 2 cửa xả ở đầu nguồn khu vực chúng tôi thí điểm là vượt quá tính toán ban đầu của chúng tôi. Tôi nói lại một lần nữa, việc xả này là đúng, nhưng ảnh hưởng đến kết quả của chúng tôi thì chúng tôi làm lại. Như nói ở trên, chúng tôi đã có phương án bảo vệ thành quả của dự án, kể cả thời gian tới có tiếp tục xả nước vào sông Tô Lịch như mấy ngày qua" - TS.Takeba Akira giải thích.

Trước đó, ngày 16/5, Hà Nội đã khởi động chương trình thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch (đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt) và khoảng 1.000m2 mặt nước Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Sau hơn 1 tháng thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Theo kế hoạch, đến ngày 16/7 vừa qua, các đơn vị độc lập lấy mẫu phân tích nước mặt, trầm tích, đo độ dầy bùn tại khu vực thí điểm xử lý. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng lấy thêm mẫu nước, mẫu bùn, đo độ dầy bùn tại bên trong khu quây tôn (có nước thải lưu thông từ bên ngoài vào) của khu trình diễn xử lý phân hủy bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước H2O để đánh giá thêm hiệu quả xử lý của công nghệ.

Nếu tiếp tục xả nước vào sông Tô Lịch, chúng tôi đã có cách ứng phó - 3

Sáng 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch nhằm thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa.

Tuy nhiên, ngày 9/7 Công ty Thoát nước Hà Nội mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch, để đưa mực nước hồ Tây xuống mức bình thường, đảm bảo thoát lũ an toàn cho mùa mưa.

Ngày 16/7, Tiến sĩ Tadashi Yamamura - Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã chính thức gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các Sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo sự việc và thông báo lùi thời gian lấy mẫu, đánh giá và công bố kết quả giai đoạn thí điểm.

Theo công văn, việc xả nước từ Hồ Tây đã cuốn trôi toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua. Do vậy, các chuyên gia Nhật Bản phải làm lại từ đầu và cần thời gian tối thiểu trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi.

Nguyễn Dương