"Nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn, dân được lợi do giá nhà giảm"

Hoài Thu

(Dân trí) - Sau nhiều vòng lấy ý kiến, quy định sở hữu nhà chung cư được đưa ra khỏi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhưng thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH lại chung ý kiến cần đưa nội dung này vào trong luật.

Quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn một lần nữa lại được đặt lên bàn nghị sự khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 5/6.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. 

Nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng chung cư cũ thấp tầng nếu phá dỡ, xây thêm tầng mới có mức sinh lời và thu hút nhà đầu tư.

Nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn, dân được lợi do giá nhà giảm - 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Hà Nội (Ảnh: Quốc hội).

Nhưng tất cả chung cư sau này đều là chung cư cao tầng, khi phá dỡ không còn hệ số sinh lời nữa, sẽ "không nhà đầu tư nào dại gì bỏ tiền vào". Vì thế, đến một lúc nào đó, nhà chung cư cao tầng không thể phá dỡ, kể cả hết niên hạn.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với dự thảo cũ của Bộ Xây dựng là chung cư phải có thời hạn theo tuổi thọ công trình. Hết thời hạn, đến kiểm định nhà đó vẫn còn tốt thì tiếp tục sử dụng, nhưng không đảm bảo an toàn phải phá dỡ. "Người mua nhà cũng được hưởng lợi nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn do sẽ giảm giá bán", theo lời ông Cường.

Ông đề xuất cùng với thời hạn chung cư, đất để xây chung cư cũng không giao vĩnh viễn mà cho thuê 50-70 năm. "Khi đã thuê thì cải tạo phá dỡ là xong, không liên quan gì đến thu hồi. Tiền thuê đất cũng rẻ hơn tiền giao đất, giúp chi phí đầu tư xây dựng của doanh nghiệp giảm đáng kể, giá nhà ở cũng phù hợp hơn", ông Cường phân tích.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cũng phân vân về việc dự án luật chưa đề cập rõ việc sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn hay có thời hạn.

Ông Lưu nói theo tinh thần của luật này là sở hữu vĩnh viễn, song nhà chung cư có tuổi đời 50-70 năm tùy theo tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn, dân được lợi do giá nhà giảm - 2

Đại biểu Quốc hội Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (Ảnh: Hồng Phong).

"Muốn cải tạo, chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường, bây giờ giá như thế nào? Nếu định giá theo thị trường nhưng một số chủ căn hộ không chấp nhận, giải quyết thế nào?", ông Lưu đặt vấn đề và cho rằng những vướng mắc này đã có trên thực tế.

Phản ánh thực trạng hàng loạt nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng và Nhà nước phải bỏ ngân sách sửa chữa hoặc đàm phán với dân để xây dựng lại, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu câu hỏi "Chung cư do doanh nghiệp đầu tư để bán không rõ bao nhiêu năm thì sửa?".

"50 năm nữa, doanh nghiệp đầu tư chung cư không còn nữa, những căn hộ ở đó xuống cấp thì ai sửa? Luật phải có nhiều phương án, như cho bán với thời hạn 30 năm hay bao nhiêu năm thôi", theo quan điểm của ông Thân.

Vị đại biểu đề xuất thêm khi bán phải trích tỷ lệ phần trăm, người ở trong chung cư phải đóng góp để có nguồn sửa chữa và cải tạo, tránh "doanh nghiệp không còn thì Nhà nước phải bỏ một đống tiền ra sửa".

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) cho rằng việc quy định không rõ nội dung này gây tâm lý lo lắng cho người mua khi không biết thời hạn sử dụng nhà chung cứ theo hồ sơ thiết kế là 50 năm, 70 năm hay 90 năm.