1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nếu dư luận lên tiếng sớm, dự án bôxít có thể đã khác!”

(Dân trí) - “Giá như báo chí, dư luận có thể lên tiếng từ khi hình thành chủ trương đầu tư khai thác bôxít, các nhà khoa học có thể vào cuộc trong thời gian đó, nhất là trước 2007 - 2008, có thể quyết định đã khác đi” - TS. Nguyễn Quang A phát biểu.

TS. Nguyễn Quang A là một trong những diễn giả có tham luận trình bày tại Hội thảo “Tác nghiệp báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo chính sách” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) tổ chức ngày 27/2 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, vấn đề được nêu ra là để báo chí là một hình thức hiệu quả trong việc lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo cần coi báo chí là kênh thông tin để lấy ý kiến góp ý của nhân dân, có kế hoạch và bố trí kinh phí cho việc này.
 
“Nếu dư luận lên tiếng sớm, dự án bôxít có thể đã khác”
Các diễn giả tham gia hội thảo về Vai trò của báo chí trong việc phản ánh ý kiến của nhân dân về chiến lược, chính sách.

Báo chí với tư cách là kênh thảo luận nhiều chiều sẽ mổ xẻ các chính sách từ các góc độ khác nhau, với kinh nghiệm thực tiễn đa dạng, giúp cơ quan hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin hơn. Báo chí được ghi nhận là đầu mối lý tưởng để phát hiện các bất cập thực tiễn, từ đó đề xuất sáng kiến sửa đổi hoặc xây dựng chính sách, cũng là diễn đàn trao đổi nhiều chiều, huy động trí tuệ xã hội, tạo dư luận, sức ép hợp lý hướng tới cơ quan soạn thảo, đề xuất chính sách.

Các diễn giả tham gia hội thảo ghi nhận, chưa bao giờ báo chí truyền thông lại đóng góp tích cực như những năm qua. Qua các cuộc lấy ý kiến nhân dân, chính quyền đã lắng nghe, học hỏi, rồi điều chỉnh chính sách.

Tuy nhiên, nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao động) cũng nêu thực tế, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo chính sách rất khó được thực hiện trên phạm vi rộng cũng như còn hình thức nên nhiều văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đã “chết yểu”, vừa ra đời đã phải hủy bỏ, sửa đổi sau khi “vấp” thực tế, vấp phản biện xã hội.

Ông Tuấn dẫn chứng, Nghị định 94 ban hành cuối năm 2012 (có hiệu lực từ 1/1/2013) về sản xuất và kinh doanh rượu quy định việc sản xuất xuất rượu phải có giấy phép và nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ. Ngay trong ngày đầu tiên Nghị định 94 có hiệu lực, báo chí đã có những bài báo ghi nhận ý kiến của những người sản xuất rượu tại các địa phương cũng như bà con kinh doanh đường phố. Câu trả lời phổ biến là “không biết”. Ông Tuấn cho rằng việc này thể hiện công tác lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho Dự thảo Nghị định 94 chưa được triển khai đầy đủ và triệt để.

TS. Nguyễn Quang A cũng đặt vấn đề từ ví dụ cụ thể là dự án bôxít Tây Nguyên đang “đốt nóng” dư luận những ngày qua với những thông tin về thực trạng thua lỗ, gặp khó khăn, nguy cơ phải tính toán lại, thậm chí dừng sản xuất. Ông A cho rằng, tình trạng này là hệ quả của việc chủ trương, chính sách đầu tư vào lĩnh vực này không được lấy ý kiến của đông đảo các giới cũng như tổ chức phản biện tương xứng.

Dự án được quyết định từ cuối năm 2007, trước đó còn có những thỏa thuận giữa chủ đầu tư (tập đoàn Than Khoáng sản VN – TKV) và đối tác (nhà thầu Chalenco – Trung Quốc). Tháng 4/2008, TKV phê duyệt nhà thầu Trung Quốc này thắng thầu và ký hợp đồng xây dựng nhà máy trị giá 466 triệu USD. Diễn giả lập luận, những thông tin này không được tìm thấy trên báo chí.

Tháng 11/2008, một số nhà khoa học, quản lý nêu ý kiến cảnh báo về sự phi hiệu quả kinh tế, tác hại môi trường cũng như vấn đề an ninh quốc gia ở dự án này, nhiều đại biểu đã nêu vấn đề ra Quốc hội, yêu cầu thông tin trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội. Tháng 4/2009 một bản kiến nghị dừng dự án được nhiều người ký gửi tới các cơ quan chức năng trong khi nhà thầu Trung Quốc đã bắt đầu công việc xây dựng từ tháng 12/2008.
 
TS.Nguyễn Quang A trình bày tham luận tại hội thảo.
TS.Nguyễn Quang A trình bày tham luận tại hội thảo.

“Giá như báo chí, dư luận có thể lên tiếng từ khi hình thành chủ trương đầu tư khai thác bôxít từ đầu những năm 2000 và các nhà khoa học có thể vào cuộc trong thời gian đó, nhất là trước 2007, 2008, có thể quyết định đã khác đi. Đáng tiếc thông tin thảo luận, tranh luận về vấn đề này không có. Chỉ sau khi sự việc đã xảy ra, báo chí mới vào cuộc” - TS. Nguyễn Quang A cho rằng, đó là bài học đắt giá cho dự án bôxít Tây Nguyên.

Thêm một dẫn chứng rất “thời sự” khác là việc góp ý sửa Hiến pháp đang được tiến hành, TS. Nguyễn Quang A nhận xét, không khí tranh luận trên báo chí vẫn ít, ít ý kiến trái ngược, phản biện quan điểm của Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp. Bản kiến nghị 72 của nhóm nhân sĩ, trí thức, chuyên gia trao cho UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp do nguyên Bộ trưởng Tư pháp – TS Nguyễn Đình Lộc đại diện cũng chưa được chú ý, thông tin về nội dung xứng đáng.

Ông A kết lại, việc sửa đổi Hiến pháp chưa được quyết định, vẫn còn thời gian để thảo luận, trao đổi. Ông hi vọng, báo chí đóng vai trò tích cực hơn, tạo môi trường cho các cuộc thảo luận, tranh luận công khai, minh bạch trên tinh thần xây dựng để người dân có thể cùng góp phần làm nên những chính sách, chủ trương lớn, có chất lượng, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

Trưởng Phòng Pháp luật chính sách - Cục Báo chí - Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hiếu cũng “nhắc” bản thân cơ quan báo chí vẫn chưa chủ động. Mỗi dự thảo chính sách là cơ hội cho các cây bút đưa tin, phân tích, phản biện thế nhưng báo chí không coi dự thảo chính sách là đề tài khai thác thường xuyên, có kế hoạch dài hạn.

Ông Hiếu nêu số liệu thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT đã đăng tải và xin ý kiến góp ý dự thảo 56 văn bản quy pháp pháp luật thì chỉ có 19 văn bản có ý kiến đóng góp, 37 văn bản không có ý kiến nào, kể cả dự thảo liên quan nhiều đến hoạt động báo chí như Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhà báo Đào Tuấn phân trần, khi viết và công bố những góp ý, phản biện với các chủ trương, chính sách, nhà báo phải đối mặt với hệ số rủi ro nhất định. TS Lê Hồng Hạnh, Viện Khoa học Pháp lý của Quốc hội kiến nghị, cơ quan công quyền và báo chí cần phải ngồi lại, đối thoại để nhìn rõ các điểm nghẽn cũng như những rủi ro của báo chí trong việc trở thành diễn đàn của nhân dân.

P.Thảo