1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nếu có cơ sở, VKSNDTC sẽ kháng nghị bản án

(Dân trí) - “Trách nhiệm của chúng tôi là buộc tội nếu có tội còn không có tội thì kiên quyết minh oan cho người ta”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) Trần Quốc Vượng bày tỏ quan điểm xung quanh vụ án “lập quĩ đen” tại Nông trường sông Hậu.

Nếu có cơ sở, VKSNDTC sẽ kháng nghị bản án - 1
Năng suất trồng lúa ở nông trường Sông Hậu từng dẫn đầu cả nước (ảnh tư liệu: Công an Nhân dân).
 
Ông có thể cho biết quan điểm của VKSNDTC trong vụ án “lập quĩ đen” tại Nông trường sông Hậu như thế nào?
 
Chúng tôi đã tập trung tất cả các bài báo, các ý kiến của các luật sư, ý kiến của mọi người và yêu cầu anh em sớm chuyển hồ sơ lên để nghiên cứu.
 
Nhưng Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết đã rút hồ sơ của vụ án này lên rồi?
 
Hiện chưa rút vì việc này phải có trình tự. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm khẩn trương theo đúng tinh thần pháp luật.
 
Ông có ý kiến như thế nào về việc bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương - PV) bị kết án về tội lập quỹ trái phép?
 
Bây giờ chúng ta chưa kết luận chuyện đó, tất cả đều đang trong quá trình tố tụng. Sơ thẩm rồi, phúc thẩm rồi, giờ chúng tôi đang theo thẩm quyền, nghiên cứu hồ sơ để xem xét kháng nghị bản án. Nếu có cơ sở, nhất định chúng tôi sẽ kháng nghị.
 
Nếu có cơ sở, VKSNDTC sẽ kháng nghị bản án - 2
Viện trưởng Viện KSNDTC Trần Quốc Vượng.
 
Thưa ông, thời gian xem xét hồ sơ đề đưa ra kháng nghị chính thức là bao lâu?
 
Tôi cho rằng không lâu và sẽ làm nhanh.
 
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trong trả lời báo chí đã cho rằng, quá trình giải quyết, vận dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp trong vụ án này chưa nhuần nhuyễn?
 
Đó nhận xét ban đầu của anh Hà Hùng Cường, còn tôi bây giờ chưa nhận xét gì cả. Mọi thứ đều phải trên hồ sơ vì bây giờ chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền. Pháp luật là tối thượng, chứng cứ hồ sơ là quan trọng, chúng tôi phải làm theo pháp luật.
 
Có ý kiến cho rằng, so với việc xét xử các vụ tham nhũng thời gian qua, mức án 8 năm tù cho bà Sương là quá nặng?
 
Bây giờ tôi chưa phát biểu được là quá nặng hay không bởi tôi chưa tiếp nhận hồ sơ. Trước việc dư luận như thế, cơ quan tư pháp Trung ương đã rất nghiêm túc. Chưa cần đề nghị của bà Ba Sương, chúng tôi tôi đã yêu cầu anh em xem xét rồi.
 
Trong vụ này tôi đã chỉ đạo ngay, đã cương quyết làm rồi.
 
Xin cám ơn ông!
 
Bên lề hội nghị tư vấn giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế, trao đổi với PV về vụ án đang thu hút sự chú ý của dư luận ở Nông trường Sông Hậu, ông Vũ Tiến Chiến - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về chống tham nhũng - cho biết ông đánh giá rất cao công lao, cống hiến của bà Ba Sương. Do vậy, khi xử lý vụ việc này, từ địa phương phải hết sức cân nhắc. Tuy nhiên, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
 
Ông nhận định vụ án này đối với địa phương là một vụ án lớn. "Các thành viên Ban chỉ đạo như Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao sẽ xem xét theo trách nhiệm của mình. Vụ việc này chắc chắn sẽ được xem xét làm rõ", ông Chiến nói.

 

Trả lời câu hỏi: "Hành vi lập quỹ không phải là tham nhũng. Đây không phải là vụ án tham nhũng, tại sao Ban chỉ đạo lại theo dõi, đôn đốc ?", ông Chiến cho rằng dấu hiệu ban đầu của một vụ án có rất nhiều thứ. Có cái ban đầu là tham nhũng, nhưng đến sau lại sang lĩnh vực khác.
 

Bình luận trước thông tin Thành ủy Cần Thơ có văn bản chỉ đạo khởi tố vụ án với tội danh cụ thể, ông Chiến khẳng định bất cứ cơ quan nào cũng phải tuân thủ pháp luật. Ban chỉ đạo TƯ cũng chỉ phối hợp với các cơ quan để đẩy nhanh các vụ án, chứ chính Ban chỉ đạo TƯ cũng không bao giờ chỉ đạo cụ thể tội danh.

Pháp luật quy định rõ, khởi tố hay không là thẩm quyền của cơ quan điều tra, không thể ai can thiệp được. Truy tố hay không là trách nhiệm của VKS. Còn ra tòa là thẩm phán nhân danh “Nước CHXHCN Việt Nam” tuyên án.

 

Về những ý kiến trái chiều quanh bản án của bà Ba Sương, ông Chiến nhận định cán cân của pháp luật phải dựa trên cơ sở của pháp luật. "Về vụ này, phải xem xét theo các quy định của pháp luật. Bây giờ bản án đã xử, đã có hiệu lực. Bây giờ chỉ còn cách giám đốc thẩm nếu thấy dấu hiệu sai sót, hoặc nếu có yêu cầu thì Ủy ban Tư pháp của QH sẽ giám sát. Từ đó, mới có thể kết luận được tính chính xác đến đâu", ông nói thêm đồng thời "cảnh báo": Việc hơn 100 người xin đi tù thay bà Ba Sương cũng có thể lại là một câu chuyện khác.

 

Cũng theo ông Chiến, trong trường hợp giám đốc thẩm phát hiện sai phạm trong quá trình xét xử vụ án, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật về oan sai. (Phúc Hưng)

 
Cấn Cường (ghi)