1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhìn lại vụ án Nông trường sông Hậu

Bài 1: “Người hùng” của nông dân

(Dân trí) - 30 năm trước, Nông trường sông Hậu chỉ là một vùng sình lầy và um tùm lau sậy. Có được cơ ngơi trù phú như ngày nay, không thể không ghi nhận công sức của Giám đốc Trần Ngọc Sương, người vừa lãnh 8 năm tù vì những sai phạm trong quản lý kinh tế…

Đánh thức bưng biền

Sau khi tốt nghiệp khóa I, ngành kỹ sư chăn nuôi, Đại học Nông nghiệp Cần Thơ, bà Sương về làm việc tại Nông trường sông Hậu (NTSH). Thời gian sau, bà Sương được học lớp nghiên cứu về quản lý kinh tế sau đại học ở Liên Xô.

Về nước, bà tiếp tục công tác tại NTSH với vai trò phụ tá đắc lực cho cha ruột là ông Trần Ngọc Hoằng. Với những gì học được từ nước ngoài, bà Sương đã ứng dụng vào ngay mảnh đất bưng trũng của huyện Cờ Đỏ. Hàng loạt biện pháp đòn bẩy kinh tế, khuyến nông tại chỗ được áp dụng: khoán sản phẩm đến người lao động, khoán cho lực lượng gián tiếp, khoán quỹ lương và khoán hành chính…
 
Bài 1: “Người hùng” của nông dân - 1
Thu hoạch lúa ở NTSH (Ảnh: Vĩnh Hòa)

Nhiều cơ sở dịch vụ kỹ thuật được mở ra, ứng trước tổng quỹ lương hàng năm để hổ trợ cho người lao động, bung mở nhiều cách làm ăn, dùng các chính sách đòn bẩy để đồng lương đẻ thêm thu nhập...

Không có kinh phí, mọi khoản chi của NTSH thời bấy giờ chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và các khoản tiết kiệm từ các quỹ được trích để lại.

Không bị ràng buộc bởi cơ chế bao cấp, nông trường đã tự khẳng định vị trí và vững vàng đi lên. Việc cải tạo đồng ruộng, xây dựng công trình thủy lợi với hệ thống bờ bao, kênh tưới, tiêu nước, kết hợp giao thông hoàn chỉnh, cơ giới hoá đa phần trong sản xuất nông nghiệp được gấp rút thực hiện.

Năm 1979, diện tích NTSH là 3.450 ha. Đến năm 1984, sáp nhập thêm 50% phần diện tích còn lại của Nông trường Quyết Thắng đưa tổng diện tích NTSH lên gần 7.000 ha. Năm 1992, Nông trường chính thức được phép xuất nhập khẩu trực tiếp và được thành lập doanh nghiệp nhà nước.

Từ năm 1990, NTSH chuyển đổi 100% diện tích lúa mùa nổi một vụ thành đất trồng lúa 2 vụ với sản lượng hàng năm trên 60.000 tấn lúa, năng suất trung bình trên 10 tấn/ ha/ năm. Năm 1992, mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp RRRVAC (Ruộng - rẫy - rừng - vườn – ao - chuồng) được áp dụng và NTSH trở thành vùng đất trù phú nhất nhì ĐBSCL.

Hơn 1.000ha rau màu xen canh, và xen nuôi khoảng 5.100ha tôm, cá nước ngọt trên đất lúa, gần 200ha vườn cây ăn trái, hàng trăm máy cày, máy xới, máy bơm, máy xay xát, xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng gạch ngói… là “cơ ngơi” của hơn 2.300 hộ nông trường viên nơi đây.

Với mô hình đa canh này, giá trị tổng sản lượng của nông trường tăng 25,8 lần, từ 3,1 tỷ đồng (năm 1980) tăng 80 tỷ đồng (năm 2000). Hệ số sử dụng đất cũng tăng lên 3,34 vòng/năm. Giá trị tổng sản lượng/ha từ 1,1 triệu đồng vào năm 1980 đã tăng lên trên 50 triệu đồng vào năm 2005.

Thành công vượt bậc

Với 10 phân xưởng chế biến lương thực, 4 phân xưởng chế biến và đóng hộp nông sản, 1 nhà máy chế biến thuỷ hải sản, 1 nhà máy chế biến gỗ…, sản xuất tại NTSH gần như là một vòng tròn khép kín.
 
Bài 1: “Người hùng” của nông dân - 2
Một khu thu mua, chế biến nông sản ở NTSH (Ảnh: Vĩnh Hòa)

Nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu được bạn hàng quốc tế tín nhiệm. Năm 2002, đàn bò sữa của NTSH gần 600 con, bình quân mỗi ngày cung cấp 1,5 tấn sữa tươi nguyên chất cho chi nhánh Công ty sữa Vinamilk tại Cần Thơ. Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của nông trường đã có chỗ đứng ở hơn 40 nước như Nga, Đông Nam Á, Đông Âu và một số nước châu Phi.

Với những thành tích trong sản xuất, NTSH từng 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1985 và năm 1999. Nông trường này đạt chuẩn quản lý theo hệ thống chất lượng HACCP từ năm 2002 và ISO 9001:2000 từ năm 2003.

Với vai trò giám đốc, năm 2000 bà Trần Ngọc Sương vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1989-1999). Trước đó, bà cũng đã nhận hàng loạt danh hiệu cao quý khác: Huân chương Lao động hạng I năm 1999; Huân chương Lao động hạng II năm 1995; Huân chương Lao động hạng III năm 1990. 11 Huy chương của các tổ chức khác…
 

Năm 2002, bà Trần Ngọc Sương đoạt giải “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - một giải thưởng cao quý với 15 phụ nữ xuất sắc nhất. Toàn bộ số tiền thưởng 10.000 USD được bà trao tặng cho những phụ nữ và trẻ em nghèo ở Cần Thơ.

Vĩnh Hòa