(Dân trí) - "Những thông tin, dữ liệu thu thập được ngày càng nhiều trong thời gian vừa qua, chúng ta đang có sự hiểu biết sâu sắc hơn, chính xác hơn về dịch Covid-19...", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Chúng ta rồi sẽ ổn! Chắc chắn là sẽ như vậy! Chắc chắn là sẽ không khác!
Cho dù hiện nay, dịch bệnh ở TPHCM, tỉnh Bình Dương và một số tỉnh thành khác có thể vẫn chưa đạt đỉnh, số người nhiễm bệnh, số người tử vong có thể vẫn còn cao, thì lối ra cũng đã dần sáng tỏ.
Trước hết, chúng ta đã nhận thức đúng hơn, đầy đủ hơn về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, đặc biệt của biến chủng Delta. Có thể, thành tích chống dịch trong năm 2020 đã làm cho ai đó trong chúng ta chủ quan. Và sự chủ quan đã làm cho các giải pháp về giãn cách xã hội không được thực thi đầy đủ; Các khuyến cáo về 5K không được tuân thủ nghiêm ngặt. Virus SARS-CoV-2 nhờ đó mà lây lan dễ dàng vào cộng đồng và bùng phát thành đại dịch. Tình trạng chủ quan "khinh địch" như vậy nay đã được khắc phục. Nhận thức đúng đắn đã được hình thành. Muôn người như một nghiêm chỉnh thực thi các giải pháp phòng chống dịch là điều kiện quan trọng nhất để chúng ta có thể khống chế dịch thành công. Điều kiện này đang được hình thành và củng cố.
Thứ hai, chúng ta cũng đã tích tụ được nhiều hơn kiến thức và kỹ năng cần thiết để phòng chống dịch. "Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng". Kinh nghiệm thành công của Bắc Ninh, Bắc Giang và chưa thật thành công của TPHCM, tỉnh Bình Dương đều làm giàu có thêm cho sự hiểu biết của chúng ta và giúp chúng ta có những phản ứng chính sách ở tầm quốc gia, cũng như có cách hành xử ở tầm từng cá nhân đúng đắn hơn, khoa học hơn.
Chuyển mô hình điều trị từ tháp 5 tầng thành tháp 3 tầng, chuyển việc điều trị tập trung về điều trị tại nhà cho các F0 không có triệu chứng… là những phản ứng chính sách như vậy. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về giãn cách, vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn cũng là cách hành xử như vậy.
Với những thông tin và dữ liệu thu thập được ngày càng nhiều trong thời gian vừa qua, chúng ta đang có sự hiểu biết sâu sắc hơn, chính xác hơn về dịch Covid-19. Đây là nền tảng quan trọng để có những điều chỉnh chiến lược chống dịch cần thiết trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng "cuộc chiến này lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng" là một tín hiệu của sự điều chỉnh chiến lược như vậy.
Ngoài ra, tri thức và hiểu biết của thế giới về virus SARS-CoV-2 và cách thức phòng chống nó cũng đang được sáng tạo ra từng ngày, từng giờ. Chúng ta hoàn toàn có thể đứng trên vai của người khổng lồ để tiến nhanh về phía trước trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Thứ ba, vắc xin chống lại dịch Covid-19 đã có và đang được cung ứng cho nước ta ngày một nhiều hơn. So với vài ba tháng trước đây, nguồn vắc xin, cũng như lượng vắc xin đã tăng lên đáng kể nhờ chiến lược vắc xin đúng đắn của Chính phủ. Một loạt các loại vắc xin mới cũng đang được sáng tạo ra, trong có cả những loại do chính Việt Nam nghiên cứu và phát triển như vắc xin Nanocovax.
Hơn thế nữa, vắc xin Pfizer đã chính thức được phê chuẩn. Sắp tới, vắc xin Moderna cũng sẽ được phê chuẩn. Có nghĩa là đã có các loại vắc xin đạt chuẩn mực an toàn cao nhất, và quan trọng không kém là sắp tới sẽ có các loại vắc xin thương mại ở trên thị trường. Khi đã có vắc xin thương mại trên thị trường, thì hoàn toàn có thể vận hành cơ chế thị trường trong việc phân phối và tiêm chủng.
Trong bối cảnh phải chạy đua với virus biến chủng Delta về tốc độ, Chính phủ hoàn toàn có thể xem xét chương trình xã hội hóa việc tiêm chủng vắc xin.
Xã hội hóa không có nghĩa là tất cả mọi người dân đều phải tiêm dịch vụ và phải trả tiền. Xã hội hóa chỉ có nghĩa là thêm một sự lựa chọn cho những người có đủ điều kiện về tài chính. Quan trọng là động lực sẽ được tạo ra cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm vắc xin và cung ứng dịch vụ. Và gánh nặng sẽ được giảm bớt để Nhà nước có thể quan tâm nhiều hơn cho những người nghèo, những người ít có điều kiện.
Thứ tư, thuốc điều trị Covid-19 đã bắt đầu được nghiên cứu và bào chế thành công ngày càng nhiều. Remdesivir, Ronapreve, Molnupiravir… là một số loại thuốc như vậy. Các loại thuốc này đã bắt đầu được nhập khẩu về Việt Nam, và được Bộ Y tế phê duyệt và cho đưa vào sử dụng.
Rõ ràng, các loại thuốc kháng virus sẽ giúp tạo ra sự đột phá trong việc điều trị cho các bệnh nhân. Thành tựu của nhân loại không dừng lại ở các loại thuốc đó, các loại thuốc mới hiệu quả hơn chắc chắn sẽ sớm được sáng chế ra. Vấn đề quan trọng là cũng như vắc xin, chúng ta cần tìm mọi cách để tiếp cận được các loại thuốc mới sớm nhất có thể.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải phát huy hơn nữa sự năng động của các doanh nghiệp. Bộ Y tế cũng cần cắt giảm bớt những thủ tục được coi là xa xỉ trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời nhanh chóng đưa các loại thuốc mới vào phác đồ điều trị.
Ngoài ra, quan trọng không kém là vận dụng các thành tựu của y học cổ truyền vào việc điều trị Covid-19. Thông tin về tác dụng phòng chống dịch của thuốc y học cổ truyền được các phương tiện truyền thông đăng tải khá nhiều. Vấn đề là cần sớm có sự thẩm định chính thức để đưa vào sử dụng.
Cuối cùng, đại dịch Covid-19 đã không chỉ gây ra những tổn thất vô cùng to lớn về sức khỏe, sinh mạng, tiền của cho chúng ta, mà còn giam hãm chúng ta trong bốn bức tường. Tuy nhiên, đại dịch cũng làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc và sáng tỏ hơn bao giờ hết rằng chúng ta gắn kết chặt chẽ với nhau. Mỗi một chúng ta chỉ có thể an toàn khi tất cả chúng ta đều an toàn. Mỗi một chúng ta chỉ có thể tự do, khi tất cả chúng ta đều tự do. Nhận thức này sẽ giúp chúng ta đoàn kết với nhau hơn. Và đoàn kết chính là sức mạnh để chiến thắng mọi loại dịch bệnh.
Với việc kỷ luật phòng chống dịch được đề cao, chương trình tiêm chủng diện rộng đạt kết quả, các loại thuốc chữa Covid-19 được cung ứng đầy đủ, đất nước ta hoàn toàn có thể trở lại với cuộc sống bình thường mới. Thời gian cho điều mong ước này chắc chắn không còn quá xa ở phía trước. Cho dù trong năm 2022 tới đây, virus SARS-CoV-2 vẫn chưa biến mất, thì nó cũng chỉ còn là một loại bệnh có thể được chữa trị như muôn vàn loại bệnh khác.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội