Nắng nóng, người dân đổ xô ra biển giải nhiệt
(Dân trí) - Mấy ngày qua, thời tiết tại Bình Định nắng nóng, oi bức. Nhiệt độ ban ngày có lúc lên đến gần 40oC. Và bãi biển Quy Nhơn là điểm “giải nhiệt” lý tưởng.
Đợt nắng nóng kéo dài trong những ngày qua đã khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng ít nhiều. Rất đông người đổ xô ra bãi biển Quy Nhơn tắm, giải khát và đón gió biển hòng xua đi cái nóng. Theo ghi nhận, buổi sáng bắt đầu từ khoảng 4 giờ 30 sáng đến 6 giờ 30, buổi chiều từ 16 giờ đến 21 giờ, dọc bãi biển Quy Nhơn luôn đông nghịt người.
Anh Phạm Bá Tuân, phường Quang Trung cho biết: “Mấy ngày nay nắng nóng quá ở nhà nóng chịu không nổi nên sáng chiều tôi đều ra biển tắm cho mát. Tối về lại chở vợ ra bãi biển uống nước cho mát”.
Bên cạnh đó những quán cà phê, quán nước giải khát đến những quán nhậu dọc theo bãi biển cũng luôn nườm nượp khách. Nhiều người sau khi tắm biển xong, lên bờ để thưởng thức các món hải sản hay uống một ly nước mía, quả dừa cho tỉnh táo rồi mới về cơm nước. Nhưng đông nhất vẫn là vào buổi tối sau giờ tan sở nhiều người tụ tập bạn bè kéo nhau về các quán nhậu gần biển vừa thưởng thức các món hải sản, nhưng quan trọng là được tận hưởng luồng gió biển mát lạnh thổi vào.
Anh Võ Văn Kỳ, phường Ghềnh Ráng đang ngồi nhậu cùng bạn bè, cười hào sảng cho biết: “Nắng nóng thế này mà cùng bạn bè ra đây ngồi uống vài lon bia lạnh và tận hưởng gió biển đúng là tuyệt vời hết sẩy”.
Bãi biển Quy Nhơn và các quán giải khát ven biển, ngày cũng như đêm, không còn chỗ trống
Có mặt tại xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân đúng thời điểm hơn 13 giờ ngày 2/5, cái nắng hầm hập như lửa thiêu. Những cánh đồng sắn, ngô và lạc ủ rũ trong cái nắng gay gắt. “Nắng nóng như thế này thì làm ăn sao được, ra đồng nóng quá không chịu được, nhìn cây cối co quắp mà nản cả người”, anh Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.
Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, tuy mới bắt đầu vào mùa nắng nóng nhưng nhiều người dân đã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Ông Phạm Công Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, chia sẻ: “Tình hình nắng nóng gay gắt, nhưng mới bắt đầu nên chưa gây thiệt hại gì về sản xuất, một phần là vì địa phương đã chủ động các phương án để chống hạn. Ở Ngọc Lặc, xã khó khăn nhất về nước vào thời điểm này là Mỹ Tân, thường thiếu cả nước sinh hoạt và sản xuất. Ngay cả ở thị trấn cũng thiếu nước cục bộ ở 2 khu phố với khoảng 50 - 70 hộ dân đã phải đi mua nước”.
Nhiều hộ dân ở thôn 9, thôn 10, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, người dân nơi đây phải dùng chung nước giếng tập trung của thôn, hay đi các thôn lân cận lấy nước về sinh hoạt.
Mặc dù mới 9 giờ sáng nhưng trên những cánh đồng đã vắng bóng người dân. Để tránh nắng, những ngày này bà con ra đồng từ 4 - 5 giờ sáng và về lúc nửa buổi. Nắng nóng kéo dài khiến mọi sinh hoạt và công việc đồng áng của bà con gặp nhiều khó khăn.
Chị Lê Thị Thắm, ở thôn Thái, Hùng Sơn, huyện Tĩnh Gia chia sẻ: “Nắng nóng như thế này khiến lạc bị khô héo ra hoa không đậu quả, lúa thì khô, bông trắng không có hạt…”. Lúa và ngô, lạc phơi màu và trổ hoa vào đúng dịp nắng nóng nên bị khô, trắng bông, cháy lá, nghiêm trọng nhất là vụ xuân này người dân trong thôn Thái, xã Hùng Sơn chủ yếu là trồng lạc. Truớc tình hình đó thì chính quyền địa phương đã xin thuỷ nông cấp nước cho nhân dân tuới tiêu cho hoa màu…”.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: “Mới bắt đầu thời điểm nắng nóng nên cũng chưa có gì đột biến xảy ra, có chăng thì cuộc sống của người dân cảm thấy hơi nóng nực. Về tình hình sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Thời gian vừa qua, huyện cũng có phối hợp lồng ghép với các chương trình của tỉnh đào được một số giếng khơi ở các địa phương và dự án nước sạch Nghi Sơn nên không để xảy ra tình trạng thiếu nước gay gắt. Có thiếu nước thì cũng chỉ vài ba thôn, nếu thiếu nước thì người dân cũng sang các thôn bên cạnh lấy nước về sinh hoạt”.