1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nặng nghĩa tình trên đường tới Điện Biên

(Dân trí) - Những tấm lưng dựa vào nhau trong giấc ngủ vội, những hớp nước chia nhau trên đường hành quân hay ơn cứu mạng của người đồng bào không biết tên đã trở thành những ký ức nặng nghĩa tình trên đường tới Điện Biên của nguời lính Nguyễn Văn Song.

Lính công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ Nguyễn Văn Song. 
Lính công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ Nguyễn Văn Song. 

85 tuổi, tấm lưng đã còng sức khỏe đã yếu, một bên tai không còn nghe rõ do di chứng của lần bom nổ gần đèo Pha Đin (Sơn La) nhưng những tháng ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên vẹn trong tâm lý ông Nguyễn Văn Song (xóm 7, xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An). Những ngày này, khi cả nước đang sống trong không khí hào hùng chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên thì ông lại hồi tưởng về chiến dịch bằng cách riêng của mình, với những giai điệu của cây sáo tiêu.

“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là cán bộ tiểu đoàn thuộc đại đội 260, tiểu đoàn 333, trung đoàn 151 công binh, đại đoàn công pháo 351 có nhiệm vụ phá bom, mở đường, phá thác để phục vụ công tác vận chuyển súng đạn, lương thực cho chiến trường”, ông Song nhớ lại.

Những cuộc hành quân xuyên rừng trong đêm tối của núi rừng Tây Bắc vẫn in đậm trong tâm trí của người lính già. Đặc biệt là những tình cảm ấp áp ruột thịt của những người đồng đội dành cho nhau trên con đường hướng tới Điện Biên để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng.

Bài hát "Qua miền Tây Bắc" với tiếng tiêu của người chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Văn Song.

Mùa Đông Tây Bắc năm ấy rét cắt da cắt thịt, thiếu thốn đủ bề nhưng gay gắt nhất vẫn là nước uống. Cứ mỗi đêm, tiểu đoàn phải hành quân 30 cây số đường rừng. Sương giăng như mưa phùn, rét cắt da, trời tối như mực. Để không để lạc nhau giữa rừng, người lính phải bắt những con sâu phát sáng hoặc tìm những cành cây có lân tinh cài vào ba lô. Thứ ánh sáng lấp lóa trong đêm tối trở thành “tín hiệu” để người đi sau tiếp bước người đi trước.

“Trời thì rét nhưng hành quân được một lát là đã khát khô cả cổ. Từ chỉ huy tới lính mỗi người có một bi đông nước. Khát nhưng không dám uống cho thỏa cơn khát đâu, mỗi lần chỉ dám nhấp từng ngụm nhỏ. 30 cây số có phải là ít đâu. Anh nào bị chứng khô phổi thì háo nước lắm. Đến cuối chặng hành quân, lúc đó sức đã kiệt, lại khát nước nữa thì đúng là hết khổ. Thậm chí có những lúc chúng tôi đã phải uống chính nước tiểu của mình để có sức hành quân. Giữa đường hành quân, đồng đội chúng tôi đã san sẻ với nhau từng ngụm nước nhỏ. Một ngụm nước thôi nhưng thấy cái tình nghĩa nó lớn lao lắm, bằng trăm nghìn cái thứ nước giải khát bây giờ.”, ông Song kể.

Rồi những đêm hành quân, lệnh nghỉ từ trên xuống. Lính tráng chẳng cần tăng bạt, chẳng cần lán trại. Cứ thế mà ngồi xuống, dựa vào lưng nhau mà ngủ. Giấc ngủ sau đêm dài hành quân, giấc ngủ giữa giá rét sớm mai đã được sưởi ấm từ những tấm lưng của đồng đội. Chỉ mấy mươi phút chờ trời sáng thôi nhưng cứ ngỡ như mình đã cuộn tròn trong những ổ rơm, bên bếp lửa ấm nồng của bà, của mẹ. Tan giấc ngủ vội giữa rừng, người lính lại vươn vai đứng dậy chặt tre nứa làm lán trại, cắt lá cây rải lên những tấm liếp nứa làm giường, quy củ và gọn gàng theo đúng tác phong con nhà binh.

Sức ép của quả bom khiến ông Song hất văng xuống sông Đà và bị thương nặng.

Sức ép của quả bom khiến ông Song hất văng xuống sông Đà và bị thương nặng.

Công cuộc phá núi mở đường lên Điện Biên gian khổ không thể nói hết bằng lời. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống trên những con đường khi chưa một lần được nhìn thấy trận địa. Và con số của tiểu đội ông luôn biến động do những người hy sinh và bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Cứ người này ngã xuống lại được bổ sung thêm người mới nhưng nhiệm vụ thì không thay đổi, thậm chí còn khốc liệt và hiểm nguy hơn.

“Gian khó nhất vẫn là những lần phá bom nổ chậm. Mỗi khi phát hiện được con đường vận chuyển của ta, ngay lập tức máy bay Pháp mò tới dội bom như mưa, toàn là bom nổ chậm. Ngày đó, kỹ thuật phá bom nổ chậm của ta chưa cao nên thương vong cũng lớn. Mỗi khi phát hiện có bom là 100% anh em có mặt trên đường để phá bom, thông đường để tránh ùn tắc.

Từ ngã ba Cò Nòi (Sơn La) đến đèo Pha Đin là trọng điểm thả bom của Pháp. Chúng thả xuống đây cơ man nào là bom nổ chậm. Nhiệm vụ của chúng tôi là ngay lập tức tìm cách phá bom để thông đường. Có những quả bom không phá được, chúng tôi phải xếp hàng dài bên đường làm cọc tiêu sống, đảm bảo an toàn cho xe cộ và từng đoàn dân công chạy qua”.

Tuy nhiên đến lần làm cọc tiêu sống thứ 3 thì xảy ra thương vong. Khi đó, bom thả cách đèo Pha Đin tầm 3-4km, dân công ùn tắc cả một đoạn đường dài. Một quả bom vẫn không thể kích nổ. Chậm một phút, ùn tắc càng trở nên trầm trọng và đó sẽ là “mồi ngon” cho những trận bom hủy diệt của Pháp.

Nguyễn Văn Song và đồng đội quyết định thực hiện phương án cuối cùng, biến mình thành những cọc tiêu đảm bảo an toàn cho đoàn người vượt lên. Một tiếng bom nổ chát chúa vang lên. Cả tiểu đội bị hất từ độ cao mấy chục mét xuống lòng sông Đà. Khi tỉnh dậy ông mới biết cả tiểu đội đã hi sinh gần hết, chỉ còn ông và một đồng đội khác may mắn rơi xuống nước, được đồng bào dân tộc vớt lên.

Không hiểu do sức ép của bom hay va đập trong quá trình bị hất xuống sông nhưng khi tỉnh dậy, tai bên trái của ông bị dập dính vào sát đầu, mất khả năng nghe, 5 chiếc răng cửa bị gãy, chấn thương vùng đầu, mặt, chân… Sau thời gian điều trị tại Trạm quân y tiền phương, ông được chuyển về hậu cứ để chữa trị.

“Đến bây giờ tôi vẫn không biết mặt, biết tên người đồng bào đã cứu mình. Chỉ biết khi tỉnh dậy nghe mọi người kể khi chúng tôi bị bom hất văng xuống sông, tôi và một đồng chí khác được đồng bào đi bắt cá cứu sống. Đồng bào Tây Bắc đã cứu tôi một mạng sống nhưng tôi chưa một lần được gặp để nói với họ một lời cảm ơn. Và cũng chính vết thương đó khiến tôi không thể tiếp tục cuộc hành trình lên Điện Biên nên cũng không được chứng kiến giây phút chiến thắng của chiến dịch lịch sử này…”, ông Song kể.

Rồi ông với tay cầm cây tiêu đã lên nước sáng bóng, kề vào môi thổi réo rắt những khúc nhạc đã theo ông trên những chặng đường hành quân. Những tiếng phập phù tuổi già xen lẫn trong từng nốt nhạc…

Hoàng Lam