1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần Thơ:

Nặng gánh nhưng mà vui!

(Dân trí) - "Nặng gánh mà vui chú ơi! Mấy ngày này chỉ sợ mình không đủ sức gánh hàng thôi, vì Tết đến chẳng ai muốn để mấy thứ vụn vặt trong nhà nên buổi sáng là mua đầy hai gánh rồi" - một chị thu mua phế liệu hồ hởi khoe.

Tết đến ai cũng muốn dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, bán đi những thứ vụn vặt trong nhà không còn dùng nữa. Bởi vậy những người quanh năm sống bằng nghề mua bán ve chai, thời gian này đối với họ sức khỏe là vàng vì họ phải đi xa hơn, gánh nặng hơn, nhờ thế cũng kiếm được nhiều hơn.

Cô Năm – nhà ở quận Cái Răng - vừa nhặt những tấm giấy can nhựa bỏ ở lề đường cho biết: “Sáng sớm là tui với cha tụi nhỏ mỗi người một gánh đi mua phế liệu rồi. Chỉ mới buổi sáng thôi là đã đầy 2 gánh, mấy ngày nay người ta bán mấy thứ bỏ đi này nhiều lắm, bởi vậy cầu trời cho đừng ngã bệnh trong lúc này!”.

Nặng gánh nhưng mà vui! - 1

Theo cô Năm, hai giỏ đầy đồ phế liệu này sẽ bán được từ 120.000 – 130.000 đồng, cộng 4 giỏ lại thì buổi sáng hai vợ chồng cũng kiếm được hơn 200.000 đồng, sau khi trừ vốn, lời được 100.000 đồng. Buổi chiều làm thêm 2 gánh nữa thì cả ngày hai vợ chồng cô Năm “ăn chắc” 200.000 đồng. Với thu nhập này, cô Năm bảo chỉ có mấy ngày này thôi, chứ ngày thường không bao giờ có.

Vừa chất bao phế liệu lên chiếc xe đạp chị Hằng - ở hẻm 312 đường 3/2 có thâm niên hơn 10 năm nghề gánh vé chai vui vẻ cho biết: “Hồi tối đứa nhỏ tự nhiên đổ bệnh nên đi làm trễ, nhưng trời thương vừa ra khỏi hẻm cân được đóng phế liệu này là đầy xe luôn. Hai bao to đùng như thế này chắc lời được 50.000 đồng”.

Hành nghề mua bán phế liệu, không cần vốn liến nhiều, chỉ cần hai chiếc cần xé (giỏ mây) và một đòn gánh bằng tre là có thể hành nghề mua ve chai. Riêng những người có điều kiện hơn thì dùng xe đạp, xe ba gác chế thêm khung để chở hàng.
Nặng gánh nhưng mà vui! - 2

Mẹ già nặng gánh mưu sinh

“Do mình không vốn liếng, không nghề nghiệp nên phải “gồng gánh” nghề này, chứ mưa nắng thất thường, cộng với việc đi bộ trên 20 km mỗi ngày thì dù sức khỏe dẻo dai đến mấy cũng tàn thôi chú ơi! Làm nghề này, chúng tôi cũng mong Tết lắm, Tết đến dễ mua hàng, gánh nặng hơn một chút mà vui, vì có chút tiền lo cái Tết cho con cháu!” - Một ông lão tóc bạc phơ đang lựa mấy lon bia hiền từ cho biết.

Riêng chị Thu - chủ một xưởng thu mua phế liệu trên đường 3/2 cho biết: “Cả tuần nay số lượng thu mua tăng gấp 2,3 lần so với ngày thường, nhất là từ nay đến 29 Tết sẽ tăng lên gấp 5 lần cũng không chừng. Mình biết đây là thời điểm “làm ăn” của cô bác gánh ve chai nên muốn nghỉ Tết sớm cũng không đành lòng. Còn một người gánh hàng đến bán mình cũng phải mua, vì đối với họ, một gánh hàng là một bữa cơm của họ chứ chẳng chơi!”.

Bên những người trẻ tuổi gánh hàng, đạp xe cọc cạch đi mua phế liệu thì vẫn có những mẹ già còng lưng, những em nhỏ đầu trần, chân đất mang túi nilon lang thang đi nhặt giấy vụn, lon bia,… Cái cảnh hồ hởi gánh gánh nhặt nhặt ấy diễn ra lặng lẽ giữa thời khắc xôn xao của ngày Tết...
 
Nặng gánh nhưng mà vui! - 3
Nặng mấy, xa mấy nhưng ai nấy đều vui vẻ
Nặng gánh nhưng mà vui! - 4
 Dùng xe đạp để chở hàng ve chai
 
Nặng gánh nhưng mà vui! - 5
 Đồ chất cao quá đầu người
 
Nặng gánh nhưng mà vui! - 6
Nặng gánh nhưng trong lòng rất vui
 
Nặng gánh nhưng mà vui! - 7
 Mong có nhiều chuyến hàng như thế này để có chút tiền lo cái Tết cho con cháu

Nặng gánh nhưng mà vui! - 8

Nặng gánh nhưng mà vui! - 9
Chiều xuống, xe cũng vừa đầy hàng!
 

Ngô Nguyễn

Dòng sự kiện: Xuân Nhâm Thìn 2012