1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Nạn nhân bị bạo hành lo chạy còn không xong, lấy đâu ra chứng cứ?"

(Dân trí) - “Trong những trường hợp bị mua bán, bạo lực, ngược đãi, nạn nhân lo chạy còn không xong thì làm sao có thể đáp ứng yêu cầu về giấy tờ để chứng minh? Có những trường hợp bị bạo lực đến xin trợ giúp mà không có bất cứ một giấy tờ nào bởi chồng giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, đã nhốt trong nhà hàng tháng, mãi mới trốn ra được”- một đại biểu trao đổi tại buổi thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi sáng 10/11.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) dẫn ra thực tế hiện nay bạo lực gia đình đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động xét về số lượng và mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Số liệu thống kê từ năm 2011 đến 2015, có gần 158.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó trường hợp nạn nhân là nữ chiếm hơn 74%, trẻ em chiếm hơn 11%, người cao tuổi chiếm gần 9% và ở nam giới là 3%.

Trong số trên 492.500 vụ ly hôn đã giải quyết thì nguyên nhân từ bạo lực gia đình chiếm gần 84% và mỗi năm có hơn 800.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân cũng từ bạo lực gia đình. Mức độ tổn hại về kinh tế do bạo lực gia đình gây ra chiếm 1,4% GDP trên 1 năm.

“Nạn nhân bạo lực gia đình là người yếu thế bị tổn thương nặng nề và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp, đặc biệt là sự giúp đỡ về pháp luật. Thực tế có 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp của các dịch vụ công trừ các vụ việc nghiêm trọng, xử lý hình sự. Các nạn nhân bạo lực gia đình đặc biệt với phụ nữ cũng đã được Chính phủ nhìn nhận là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên theo Luật trợ giúp pháp lý hiện hành thì phụ nữ bị bạo lực gia đình và kể cả mặt pháp luật và xã hội được trợ giúp pháp lý rất hạn chế”- đại biểu Sang đánh giá.

Vị đại biểu tỉnh Bình Phước cho rằng pháp luật chưa quy định mô hình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ cũng như chưa có trình tự và thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới. Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn chưa biết được quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận trợ giúp pháp lý. Trong khi người trợ giúp pháp lý cũng chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực giới.

“Pháp luật cũng cần có cơ chế bảo vệ phụ nữ trước sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, hành vi bạo lực giới. Để phù hợp với bản chất hoạt động trợ giúp pháp lý là nhà nước giúp đỡ các đối tượng yếu thế và việc sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết những lỗ hổng trong khu vực pháp luật về trợ giúp pháp lý”- bà Sang nêu quan điểm.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cho biết có khoảng 21.000 người/năm là nạn nhân bị bạo lực. Đây chính là đối tượng để trợ giúp pháp lý vì hầu như trong tình trạng khốn cùng và nhiều trường hợp không có hoặc không thể tiếp cận với tài sản chung.

Việc dự thảo yêu cầu người được trợ giúp pháp lý phải cung cấp giấy tờ chứng minh mình là người có đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý, cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin, tài liệu và chứng cớ có liên quan, cũng chưa phù hợp, đặc biệt rất khó với những trường hợp phụ nữ, trẻ em bị mua bán, bạo lực, xâm hại.

Bà Hà phân tích: “Chúng ta cũng biết trong những trường hợp bị mua bán, bạo lực, ngược đãi, nạn nhân lo chạy còn không xong thì làm sao có thể đáp ứng yêu cầu về giấy tờ để chứng minh? Thực tế có những trường hợp bị bạo lực đến xin trợ giúp mà không có bất cứ một giấy tờ nào bởi chồng giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, đã nhốt trong nhà hàng tháng, mãi mới trốn ra được. Hoặc trong trường hợp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục thì rất khó để tìm chứng cứ ngay lúc đó, đồng thời đây là những vấn đề rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương mà hầu như người trong cuộc thường không muốn nhắc đến, tâm lý đối tượng cũng như gia đình không muốn thông tin rộng rãi”.


Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (người đứng) khẳng định nhu cầu về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo hành gia đình là rất lớn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (người đứng) khẳng định nhu cầu về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo hành gia đình là rất lớn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định nhu cầu về trợ giúp pháp lý là rất lớn. “Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã dùng một từ rất hay đó là chúng ta có một rừng luật. Trong bối cảnh mà luật nhiều như thế nếu biết luật không thì chưa gọi là biết, bởi vì biết luật còn phải biết quy định của nghị định, thông tư, của các văn bản kèm theo. Trong hệ thống pháp luật cũng khá phức tạp như vậy thì nhu cầu về trợ giúp pháp lý của những người hiểu biết liên quan đến quy định của pháp luật rất lớn và đối tượng cần trợ giúp trong xã hội cũng rất lớn”- ông Cương nói.

Nhấn mạnh dự thảo luật bó hẹp hơn trước, chỉ nhăm nhăm vào hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng chính sách, trong đó có người nghèo, người dân tộc thiểu số, ông Cương đề nghị mở rộng hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý cho mọi đối tượng, kể cả với các đối tượng có điều kiện về tài chính.

“Đây cũng là kênh rất tốt cho việc hỗ trợ cho hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong người dân, trong xã hội”- ông nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Luật hòa giải ở cơ sở hiện có khoảng 111.000 tổ hòa giải để giải quyết các xích mích, mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, giữa vợ chồng con cái với nhau hoặc trong cộng đồng làng xã.

“Chúng ta có sự nhầm lẫn. Cái mà Chính phủ muốn căn chỉnh Luật trợ giúp pháp lý lần này sửa đổi để thực hiện mấy mục đích. Một là phân sân rõ ràng, hai là trả lại trợ giúp pháp lý đúng bản chất cho người nghèo và cho người không có khả năng được trợ giúp. Xã hội hóa được thì tốt, nếu không đây là trách nhiệm của nhà nước. Nó liên quan đến tiền, liên quan đến các đối tượng được trợ giúp pháp lý”- ông Long diễn giải.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo luật và quy định của Việt Nam là rộng nhất thế giới.

“Chúng tôi thiết kế đối tượng ở đây về cơ bản giữ các đối tượng được trợ giúp pháp lý như luật hiện hành. Còn lại đã rà soát và bao đủ về diện các đối tượng khác, nhưng có tiêu chí cơ bản là không có khả năng chi trả về mặt tài chính”- ông Long nói.

Thế Kha