Quảng trị:
Nạn đào vàng trái phép trên sông Đakrông
(Dân trí) - Mặc cho cái nắng chói chang gay gắt của những ngày đầu tháng 7, dọc con sông Đakrông (Quảng Trị) đang khô cạn vẫn xuất hiện hàng chục người dân đang hì hục đào đãi vàng trái phép.
Đa số những “phu vàng” ở đây đều là người dân tộc Vân Kiều, với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thau đãi... họ mải mê đào bới và trên “công trường” có sự tham gia của cả những đứa trẻ. Cứ mỗi ngày đào đãi vàng họ kiếm được từ 50.000 - 100.000 đồng.
Các điểm khai thác vàng sa khoáng trên sông Đakrông.
Chị Hồ Thị Phan (37 tuổi), ở thôn Ba Ngào, xã Đakrông (huyện Đakrông) cho biết: “Trời nắng nóng lắm, con người còn không có nước mà uống nói chi cây cối mà làm nương rẫy, nên đi đãi vàng kiếm miếng ăn thôi”.
Cả khúc sông như một công trường xây dựng, nhộn nhịp. Những chiếc xe rùa không ngừng chuyển động, vận chuyển đất ra bãi sông như muốn lấp cả dòng sông đang ngày càng thu hẹp dòng chảy.
Những bãi khai thác cứ chi chít hố, sâu như hố bom mìn lồng dưới dòng sông. Trung bình mỗi ngày lại mọc thêm 5 - 6 hố mới như thế này và kéo dài ra theo bờ sông, thu hẹp dòng nước.
Mùa hè này nước ngày càng cạn, nên tình trạng người người đổ xô về đây đào đãi vàng sa khoáng ngày càng nhiều, khiến mặt sông trở nên lởm chởm, ngổn ngang và ô nhiễm trầm trọng.
Phụ nữ và trẻ em đều là công nhân trên bãi đào vàng.
Nhiều người dân, nhờ khai thác vàng mà đã “đổi đời” nhanh chóng, nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhiều dân bản có xe máy đi lại, nên khiến cho những người khác càng ao ước thèm muốn.
Vì vậy, nạn đào đãi vàng trái phép trở thành một vấn nạn. Hậu quả trực tiếp là tác động đến môi trường sinh thái quanh khu vực dòng sông, điều đáng nói hơn là tệ nạn xã hội ngày càng tăng, nhiều học sinh đang độ tuổi đi học cũng bỏ học để lao vào vòng xoáy của vàng.
Ông Lê Phước Chưởng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đakrông cho biết: “Chúng tôi vẫn cho các đoàn đi kiểm tra thường xuyên, những điểm phản ánh trên chỉ là một số điểm nhỏ tự phát. Tuy nhiên, ngay trong tuần này chúng tôi sẽ tiếp tục cho đoàn đi kiểm tra các điểm mỏ tự phát tại các xã trên địa bàn có sông Đakrông chảy qua”.
Nguyễn Hương