1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Trung Bộ lại gánh thiệt hại do mưa lũ

(Dân trí) - Mưa lũ trong 2 ngày qua tại các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận đã làm 3 người chết, 2 người mất tích, hàng trăm ngôi nhà sập đổ, nhiều tàu thuyền hư hỏng, cuốn trôi và hàng nghìn ha diện tích nông nghiệp bị hư hại...

Nam Trung Bộ lại gánh thiệt hại do mưa lũ  - 1
Nhiều tuyến đường ở Khánh Hòa biến thành sông (ảnh: Nguyễn Thành Chung)
 
Theo báo cáo ban đầu từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ, trong 2 ngày vừa qua, tại các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to, gây thiệt hại cho các địa phương. Cụ thể mưa lũ đã làm 3 người chết (Khánh Hòa), 2 người mất tích (Phú Yên 1 người, Ninh Thuận 1 người).

Mưa lũ còn làm 453 nhà bị sập đổ (Khánh Hòa: 450 nhà, Ninh Thuận: 3 nhà), 114 nhà bị ngập, tốc mái (Khánh Hòa: 1 nhà, Ninh Thuận: 113 nhà). Cùng đó, gần 6.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả đã bị ngập, hư hại tập chung chủ yếu ở Ninh Thuận.

Ngư dân các tỉnh ven biển cũng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai: Tỉnh Bình Định thông báo về 3 tàu bị gặp nạn trên biển trong 2 ngày qua. Cụ thể tàu BĐ96247-TS với 8 ngư dân bị gẫy lái trôi dạt ra vùng biển Sa Huỳnh - Quảng Ngãi. Đến nay đã cứu hộ được 7 người, 1 người thiệt mang đã tìm được thi thể. Tàu BĐ 30462 gãy chân vịt ở tọa độ 9,5 độ vĩ bắc 107,3 độ kinh đông, hiện đang liên lạc với trực canh biên phòng Vũng Tàu. Tàu BĐ 50377-TS với 10 ngư dân bị hỏng máy tại vùng biển Trường Sa, hiện đã liên lạc được và đang neo đậu.

Nam Trung Bộ lại gánh thiệt hại do mưa lũ  - 2
Mưa lũ lại dồn về các tỉnh Nam Trung Bộ (Ảnh: CTV) 
 
Khánh Hòa: Đường phố lại thành sông, thiệt hại lớn về nhiều mặt
 
Sáng nay, 1/11, sau khi mưa tạm ngừng trong vài giờ đồng hồ thì đến khoảng 10 giờ, một trận mưa khác trút xuống xối xả khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn TP. Nha Trang lại chìm trong biển nước. Hiện đã có thêm một người chết và 1 người bị mất tích do mưa lũ.
 
Trưa 1/11, lãnh đạo Công ty đường sắt Phú Khánh xác nhận, tuyến đường sắt Bắc – Nam, vừa được thông tuyến lúc 13h30 ngày 31/10 sau khi khắc phục xong điểm sạt lở ở đèo Cả, lại vừa bị tắc lại trong buổi sáng ngày 1/11.
 
Nam Trung Bộ lại gánh thiệt hại do mưa lũ  - 3
Nước ngập nhiều tuyến đường ở Khánh Hòa (ảnh: Nguyễn Thành Chung)

Do mưa lớn liên tục trên địa bàn, ở phía Nam TP Nha Trang, một số đoạn từ ga Hòa Tân đi ga Suối Cát và từ ga Suối Cát đi ga Ngã Ba bị lũ ngập sâu trên 30cm. Ở phía Bắc TP Nha Trang, đoạn đường sắt qua khu vực đèo Cả lại bị sạt lở, đến 12h trưa cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận khu vực bị sạt lở.

Trước đó, rạng sáng 31/10, xe khách BKS 75K – 5144 chở 22 người, chạy tuyến Huế - Đà Lạt đã may mắn thoát nạn. Khi xe đi đến dưới chân đèo Sãi Me, qua địa phận thôn Phú Thọ (Diên Thọ, Diên Khánh, Khánh Hòa), do gặp nước xoáy nên xe bị chết máy, lúc đó nước lũ vẫn dâng cao và chảy xiết.

Lực lượng cứu hộ của xã Diên Thọ kịp thời đưa phao cứu sinh, xuồng máy, xe tải đến hiện trường cứu 22 hành khách cùng chiếc xe khách BKS 75K-5144 về Trường Tiểu học Diên Thọ an toàn trước 5h sáng.

Tại Ninh Thuận, 1 xà lan của Hàn Quốc đang neo đậu tại cảng cá Đông Hải đã bị trôi xa. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có 2 tàu bị nạn (BV5696 và BV0033) với 23 lao động ở khu vực cách Vũng Tàu khoảng 12 hải lý. Các tàu này đã được cứu nạn, nhưng còn 1 thuyền viên bị mất tích.

Trong khi đó, theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong ngày hôm nay (1/11), do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và nhiễu động trong đới gió đông vẫn còn hoạt động mạnh, vùng áp thấp đang có xu hướng di chuyển về phía tây ở khu vực giữa và nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7 – 8, giật trên cấp 8; vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7; kèm mưa dông, sóng biển cao từ 3 – 5m; Biển động mạnh; Các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Nhằm đối phó với mưa lũ, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Tư đặc biệtlưu ý các địa phương Nam Trung Bộ tập trung việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, tổ chức lực lượng cứu hộ tại chỗ và tại những khu vực thường xuyên bị chia cắt khi có lũ để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Đồng thời yêu cầu các tỉnh ven biển tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó với lũ và thời tiết nguy hiểm.

Thành Chung- P. Thanh