1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Năm Sửu kể 1001 chuyện về con trâu

"Con trâu là đầu cơ nghiệp" - nhắc đến con trâu là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của người nông dân Việt Nam. Con trâu không những gắn bó với lao động sản xuất, mà nó còn mang hình tượng của nền văn minh lúa nước, gắn liền với văn hóa làng quê Việt.

Năm 2009 - năm Kỷ Sửu, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc về 3 trong số 1001 chuyện về con trâu.

Trâu làm du lịch

Men theo triền đê dọc sông Hồng trong cái rét ngọt dịu của ngày đầu Xuân, lòng thấy lâng lâng niềm hứng khởi giữa sự giao thoa của trời đất, giữa tiếng khua lộc cộc, lắc lư của xe trâu, hiện lên trong mắt những du khách như chúng tôi là một làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) vừa cổ kính vừa hiện đại.
 
Năm Sửu kể 1001 chuyện về con trâu - 1

Lọc cọc xe trâu Bát Tràng, Hà Nội.

Bát Tràng không chỉ được biết đến là một làng chuyên sản xuất các mặt hàng gốm sứ mà giờ đây nó còn được biết đến là một vùng đất du lịch mang phong cách độc đáo: đó là đưa con trâu vào làm du lịch, hình tượng vốn quen thuộc trong cuộc sống hiền hòa của người nông dân Việt Nam.

Người khởi xướng ra phương tiện xe trâu phục vụ khách du lịch là anh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Hải và cũng là đơn vị chủ quản độc nhất của phương tiện này tại Bát Tràng.

Gốm sứ không chỉ riêng Bát Tràng mới có, nhưng muốn thu hút khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế đến với Bát Tràng thì phải tạo được hình tượng mới lạ và hấp dẫn. Đây chính là lý do ra đời của loại hình du lịch độc đáo: xe trâu.

Đúng như ý tưởng, từ khi mô hình xe trâu làm du lịch, Bát Tràng được biết đến là điểm du lịch thu hút khách quốc tế lớn của Hà Nội.

Đến Lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu

Dù ai đi đâu, ở đâu
Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về (Ca dao)
 
Hội Chọi trâu Hải Lựu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng hàng năm trên một bãi đất rộng ven dòng sông Lô.
 
Năm Sửu kể 1001 chuyện về con trâu - 2

Hội Chọi trâu ở Vĩnh Phúc.

Tương truyền, một sáng sớm mùa xuân, khi những bông hoa gạo bung nở đỏ rực góc trời, người dân trong làng thấy một cặp trâu trắng chọi nhau trên bãi sông Lô hồi lâu mà vẫn bất phân thắng bại. Rồi cặp bạch ngưu bỗng biến mất xuống dòng sông Lô. Và từ đó, hàng năm, nhân dân làng Hải Lựu tổ chức hội chọi trâu.

Trong ngày hội, ngay từ mờ sáng đã có hàng vạn người dân từ khắp các nơi trong tỉnh, các địa phương lân cận nô nức kéo nhau về tham dự và cổ vũ cho cuộc so tài của 32 "ông Cầu" (tên gọi chung dành cho các trâu dự hội chọi). 32 ông Cầu được chia thành 16 cặp dự thi.

Nét văn hóa độc đáo của Hội Chọi trâu Hải Lựu là các ông Cầu được một tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện, thường là các xóm, thôn hoặc một họ tộc… Để mua được những con trâu to, khỏe và thật đẹp với cái giá từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng, các tập thể cử người đi lên tận các vùng như Hà Giang, Lai Châu… chọn mua.

Ông Cầu được nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện cẩn thận, nâng niu như một thành viên đặc biệt trong gia đình. Sau gần nửa năm nuôi dưỡng, tập luyện hết sức công phu, các ông Cầu sẽ xuất trận vào đúng dịp hội chọi trâu. Thắng hay bại, những con trâu to khỏe nhất cũng đều được mang đi mổ thịt.

Mua được trâu tốt là mang phước lành vào nhà

Chợ Ú, Đại Sơn, Đô Lương là một trong những địa bàn lớn nhất trong bốn địa bàn kinh doanh trâu, bò toàn tỉnh Nghệ An. Chợ họp vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26 hàng tháng trên một bãi đất rộng của làng Ú.

Có những thương lái mua trâu, bò với số lượng lớn đã đánh cả xe tải đến để chở hàng chục con về. Nhiều thương lái ở xa đến tham gia phiên chợ phải đi từ tối hôm trước. Điều quan trọng nhất khi tham gia chợ trâu, bò là phải có con mắt tinh tường bởi thông thường, mua trâu, mua bò không căn cứ vào cân nặng.
 
Năm Sửu kể 1001 chuyện về con trâu - 3
Số người tụ tập mua bán, gồm lái trâu, “cò”, trẻ em... và cả
những người chỉ đến xem.

Anh Nguyễn Văn Nam, một thương lái đến từ Đô Lương, nói rằng: "Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà/Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi", đó chính là những thứ cần phải tránh khi chọn mua trâu.

Loại trâu có "mồm gấu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" là loại trâu được các thương lái chọn mua nhiều. Các thương lái cũng hết sức kỵ loại "trâu cười" (khi dùng đèn soi vào mặt trâu thấy cười) hoặc là trâu "tam trinh", trâu ba mắt - có cục lồi ở giữa trán giống như mắt thứ ba… Còn đối với các chủ lò mổ chỉ cần trâu nhiều thịt, xương nhỏ là được.

Món thịt trâu được khá nhiều người ưa chuộng bởi tính thanh và lượng đạm không quá cao. Người mua trâu là vậy, người mang trâu đi bán thì phải cẩn thận tắm rửa cho trâu thật sạch sẽ, cho ăn no.

Đội ngũ không mua, không bán nhưng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ trâu, bò làng Ú chính là các thổ công, những người chuyên giúp khách tìm đúng mối hàng rồi sau đó nhận hoa hồng từ hai phía. Không ít em nhỏ cũng tham gia vào phiên chợ đặc biệt này với công việc dắt trâu, bò cho các thương lái để kiếm thêm tiền chơi tết. Cặp má đỏ ửng, những giọt mồ hôi lấm tấm nhưng niềm vui rực sáng trên khuôn mặt con trẻ.

Ông Đặng Bá Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, Đô Lương, cho biết: “Không biết chợ trâu, bò có từ bao giờ nhưng hoạt động của chợ trâu, bò ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn với nhiều thương lái đến từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Sài Gòn…

Hoạt động của chợ trâu, bò Ú đã đóng góp vào ngân sách của xã hàng năm trên 100 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân, giải quyết những khó khăn của địa phương trong nông nghiệp”.

Theo Trần Hằng - Nguyễn Hương
Báo Công an Nhân dân