1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Nam Định hoãn lễ kỷ niệm, tập trung chống bão Yagi

Đức Văn
Cơn bão Yagi

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, hai tỉnh ven biển Nam Định và Thái Bình đã lên phương án để ứng phó với cơn bão số 3.

Nam Định hoãn tổ chức kỷ niệm 90 năm thành lập huyện Giao Thủy

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), UBND tỉnh Nam Định đã quyết định hoãn tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm thành lập huyện Giao Thủy (1934-2024), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

UBND tỉnh Nam Định cũng đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố và Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi khẩn trương kiểm tra, rà soát và triển khai phương án hộ đê, bảo vệ điểm xung yếu.

Nam Định hoãn lễ kỷ niệm, tập trung chống bão Yagi - 1

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, kiểm tra đê trên địa bàn huyện Hải Hậu (Ảnh: Vũ Diên).

Tỉnh yêu cầu các địa phương lên phương án bảo vệ các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố tại các huyện ven biển nhưng chưa được xử lý, khắc phục; khẩn trương gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ; chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão mạnh và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa có thể gây ra lũ trên hệ thống sông.

Tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê…

Thái Bình kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ứng phó với cơn bão số 3.

Kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tính toán thời gian ban hành lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi theo chỉ đạo của trung ương và diễn biến thực tế của cơn bão.

Các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão và tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao nhất, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn đê, kè, cống, công trình xây dựng đang thi công và nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, bệnh viện, nhất là những nơi ven sông, ven biển và các vị trí xung yếu khác…

Xây dựng phương án và kịp thời, kiên quyết sơ tán số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào trong đê chính; di chuyển đến nơi kiên cố, an toàn đối với các hộ dân đang cư trú ở những khu nhà cao tầng đã xuống cấp, nhà riêng lẻ có nguy cơ sụp đổ, không đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân sự, công an, biên phòng triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm "bốn tại chỗ" và phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức nghiêm túc công tác thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đó phải chịu xử lý theo quy định.

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi