1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Mỹ nhân ngư” ở Phú Quốc đang bị lạm sát

Bất chấp nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, trước lợi nhuận hấp dẫn ấy, nhiều ngư dân ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang đã không từ bất kỳ phương thức đánh bắt, giết hại nào để đưa các “nàng tiên cá” vào rọ!

“Nàng tiên cá, mỹ nhân ngư, nữ thần biển...” qua nghiên cứu của các nhà sinh học là loại hải ngư có tên khoa học Trichechus manatus, thường gọi là “dugong” (hoặc bò biển). Loại động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ vốn chỉ xuất hiện ở Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu), đảo Phú Quốc, được WWF (Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) và chính quyền tỉnh Kiên Giang nỗ lực bảo vệ đang bị lạm sát vô tội vạ. 

 

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Niệm, điều phối viên dự án bảo tồn san hô và cỏ biển tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hơn 3 năm trước, mặc dù UBND tỉnh đã có lệnh cấm săn bắt và sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những ai vi phạm nhưng nỗ lực đó vẫn không làm các sát thủ vùng biển tây nao núng”.

 

Bất chấp pháp luật, bỏ ngoài tai “lời khẩn cầu” của loài thú biển to con nhưng lành như đất, mọi lúc, mọi nơi, lạnh lùng đến mức tàn nhẫn, với lưới chuyên dùng, thuốc nổ, lao, súng... khi phát hiện “mỹ nhân ngư”, không ít ngư dân đã chẳng từ thủ đoạn tàn độc nào để có quyền xẻ thịt nàng tiên của biển”.

 

Tôi hỏi Hùng, người đã phóng 2 ngọn lao cắm sâu vào con bò biển tội nghiệp: “Thu được bao nhiêu tiền từ chiến lợi phẩm này?” thì chàng ngư phủ bộc bạch: “Đây là con đực nên thu nhập hơi bộn à nghen! Chỉ tính cặp ngà và bộ pín của nó, tui đã vô gần bốn chục triệu; còn thịt cứ từ 50.000 - 70.000 đồng một ký mà làm tới”.

 

Sau khi xẻ thịt, con bò biển bạc phận được các bà, các chị vốn là người thân của “sát thủ” bỏ vào cần xé rồi giao cho các nhà hàng đặc sản ở khu vực thị xã Hà Tiên. Tôi hỏi một phụ nữ lúc này đang chuẩn bị tập kết đặc sản tới quán ruột: “Sao không mang ra chợ bán để được nhiều tiền hơn?” thì nhận được câu trả lời: “Mang ra chợ cho bị phạt à? Bỏ mối cho quán vầy khỏe hơn, người ta mua cao giá cao, nhanh gọn. Có bao nhiêu, họ cũng sẵn sàng thầu hết”.

 

Lần theo hành trình hóa kiếp “nàng tiên cá”, tại một quán đặc sản đại dương, ngay khi chúng tôi vừa yên vị, ông chủ quán béo phục phịch đon đả chào hàng món danh bất hư truyền ở Kiên Giang mà không phải lúc nào có tiền cũng có thể nhâm nhi được. “Hai em dùng bò biển không?”.

 

Tôi làm bộ ngạc nhiên: “Ngon không?” thì nghe ông chủ gân cổ: “Trời đất, trên cả tuyệt vời! Ngon chỉ là chuyện nhỏ, thằng này ăn vào đảm bảo tăng lực trăm phần trăm”... Chúng tôi đang phân vân thì có nhóm bốn ông khách tướng tá bệ vệ từ chiếc xe con bóng lộn bước xuống. Chủ quán cho chúng tôi suy nghĩ rồi tranh thủ mời khách: “Mới có bò biển”. Nghe nói thế, một trong bốn người khách mắt sáng rỡ: “Thiệt hả? Vậy bê lên ngay đi”. Nói xong, ông này lấy điện thoại gọi chiến hữu liên tục: “Ghé nghen, hôm nay có nàng tiên cá đó!”.

 

Lúc trà dư tửu hậu, Bình - tay săn bắt bò biển một thời tâm sự: “Cũng như các sát thủ bò biển vang bóng một thời như Tư Bạch, Ba Cu, Sáu Bình, Tám Toét, sở dĩ tui gác kiếm vì không chịu nổi ánh mắt tuyệt vọng, bi thương của các “nàng tiên cá” khi bị dính lưới. Tình mẫu tử của loài này sâu nặng lắm! Khi thấy mẹ dính lưới, bò biển con thường kêu gào thảm thiết. Con mẹ thương con chỉ biết ứa lệ... Tôi vì ám ảnh cảnh đó nên giải nghệ”.

 

Nhưng đâu phải sát thủ nào cũng xúc động trước tình mẫu tử của bò biển và gác kiếm như cựu sát thủ Bình, vùng biển Phú Quốc - Kiên Giang có hàng ngàn ngư dân và bất kỳ ai trong số họ cũng có thể trở thành sát thủ của loài bò biển một khi thấy chúng. Ma lực lợi nhuận từ bò biển quá lớn, bắt được một con thu nhập bằng cả mấy tháng trời lênh đênh trên biển với bao hiểm nguy nên nhiều ngư dân cho biết sẽ không dại gì từ chối cơ hội nếu một khi giáp mặt với “nàng tiên cá”.

 

Không có gì phải bàn cãi nữa, thực trạng xẻ thịt, ăn thịt bò biển đang là một vấn nạn ở Phú Quốc - Kiên Giang. Theo nhận định của WWF, tình hình này diễn tiến với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tính từ tháng 7/2002 đến nay có gần 30 “nàng tiên cá” bị người ta hóa kiếp. Riêng từ tháng 9 đến tháng 11/2002 có đến 9 “nàng” bị xẻ thịt. Cần nhấn mạnh rằng đây là số vụ được phát hiện, trên thực tế lượng bò biển bị sát hại có thể nhiều hơn.

 

Thạc sĩ Niệm bộc bạch: “Ước tính ở Việt Nam, ngoài số lượng bò biển khoảng 10 con ở Côn Đảo, Phú Quốc hiện còn chưa đến 100 và con số này liên tục vơi dần do sự lạm sát vô tội vạ từ những sát thủ bò biển... Nguy cơ tuyệt diệt của bò biển ở Kiên Giang ngày một đến gần”.

 

Theo Công An TPHCM