Mưu sinh nơi hè phố
(Dân trí) - Đã từ lâu, bán hàng rong trên phố Hà Nội đã trở thành nghề kiếm sống của hàng nghìn người dân nghèo tỉnh lẻ. Có những người đã gắn bó cả cuộc đời với hè phố để tồn tại. Có những gia đình, 4-5 miệng ăn chỉ trông vào bàn trà đá vỉa hè. Cũng có những người nhờ những tháng ngày rong ruổi trên phố mà trở thành ông chủ…
>> Ngã rẽ nào cho những cảnh đời… “rong”?
>> Cấm hàng rong: “Bỏ đói” những nhu cầu bình dân
>> Đời trai “chạy chợ”
>> Những gánh buồn trên xe hàng rong
Những mảnh đời “rong” ấy, họ sẽ sống như thế nào khi khi lệnh cấm bán hàng rong trên phố được thực hiện?
Kỳ 1: Tôi đi bán hàng rong
Người ta nói rằng không nghề gì đơn giản hơn nghề bán hàng rong. Chỉ cần một chiếc xe đạp cà tàng, hai cái sọt mà thậm chí chỉ cần đôi quang gánh là bất kỳ ai cũng có thể “kinh doanh” trên đường phố. Và tôi đã thử một lần bước chân vào cái nghề lam lũ này, để có cái nhìn cận cảnh về một đời hàng rong.
Chiếu trọ 6.000 đồng
Sau một hồi chần chừ suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định nghé vào một nhà trọ ổ chuột dàng cho người lao động ngoại tỉnh tại khu Phúc Xá (Hà Nội). “Mới ở quê lên hả, lên giá rồi, 6.000 một đêm, vào đó tìm chỗ nào trống thì nằm”, Bà chủ nhà vừa nói vừa dí vào tay tôi manh chiếu cuộn kèm theo một tấm chăn mỏng. Trong căn phòng rộng chừng 20m2 đã chật kín người nằm kẻ ngồi. Tìm mãi cuối cùng tôi cũng tìm được cho mình một chỗ đặt lưng.
Đêm đầu tiên ở phòng trọ, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Mùi chăn chiếu lâu ngày không giặt, mùi hàng hóa ế, mùi mồ hôi người nồng nặc, mùi phòng ẩm mốc quyện vào nhau khăm khẳm. Nhưng buồn nhất chính là những lời tâm sự rời rạc trước giấc ngủ.
Người kể bị ế ẩm, bị lừa lấy mất hàng. Người uất ức than bị công an bắt. Ban ngày, họ đổ ra đường kiếm sống với đủ thứ nghề, người bán hoa quả, kẻ đánh giầy và cả những người nhặt rác. Dù làm nghề khác nhau nhưng tất cả đều có chung một điểm là bám lấy hè phố để mưu sinh.
Thấy tôi trằn trọc, người đàn ông có nước da đen xạm nằm cạnh lên tiếng: “Chú lạnh hả, qua đây nằm với anh, tối nay anh vừa mua thêm chiếc chăn 40 chục ngàn ấm lắm”. Anh là Bùi Văn Hùng, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên, là người có thâm niên với nghề bán hoa quả ở Hà Nội.
Nghe tôi kể ý định đi bán hàng, anh nói: “Chiều nay anh Tiến vừa về quê chăm con ốm, sớm cũng phải một tuần mới lên. Mai chú lấy xe của anh ấy mà đi bán. Thôi, giờ ngủ đi mai lấy sức còn đi làm”. Tôi chưa kịp cảm ơn, anh Hùng đã cất tiếng ngáy khìn khịt.
Vừa chợp mắt, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng của hàng chục “chiếc đồng hồ sinh học” đã quen với nhịp sống của đời hàng rong - khởi đầu một ngày làm việc từ lúc 3 giờ sáng. Không ai bảo ai, hàng chục con người lần lượt lấy xe, đổ ra ngoài đường hướng về chợ đầu mối Long Biên lấy hàng. Trước khi đi, anh Hùng dặn: “Mới đi bán, lấy ít hàng thôi… Chọn củ đậu cho an toàn. Đi bán thì mắt trước mắt sau phải để ý công an, không thì chỉ có nước mai ra chợ lao động mà kéo cày trả nợ”.
Xếp hàng đợi khách trong đêm. (Ảnh: T.B)
Tôi lóng ngóng ngồi lên chiếc xe đã gắn sẵn hai sọt, theo sau đội quân đi lấy hàng. Những cơn mưa phùn khiến trời đêm càng thêm lạnh, hai tay tôi cóng đờ vì rét. Lúc này là thời điểm đông nhất của chợ đầu mối Long Biên, các chủ hàng bắt đầu xuất hàng cho dân chạy chợ. Cả khuôn viên chợ như tràn ngập trái cây. Hàng trăm chiếc xe hai sọt, nối đuôi nhau vào chợ rồi rẽ đi các ngả.
Những người đến sớm lấy được hàng đang cố đẩy chiếc xe đầy ắp hoa quả ra cổng chợ. Trời rét mà gương mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi. Tôi đang lóng ngóng chưa biết làm gì thì anh Hùng quát: “Lấy hàng nhanh lên rồi còn về!”. Tôi ra hàng củ đậu, lấy đại 30 kg rồi cố lách xe theo anh Hùng về xóm trọ.
Ngày công đầu tiên
8 giờ sáng, sau khi đã nhẩm kỹ những điều anh Hùng dặn, tôi mới thập thò đẩy xe củ đậu ra khỏi xóm trọ. Đẩy xe lòng vòng đi hết cả mấy phố, gặp ai cũng chào mà không ai hỏi mua. Đến đường Thuỵ Khuê, thấy bóng xe công an, tôi vội quặt vào một ngõ nhỏ thở hổn hển… Đợi xe công an khuất bóng tôi mới lò dò đẩy xe ra.
Lúc dắt xe, lúc đạp, lòng vòng hai tiếng đồng hồ mà mẹt củ đậu vẫn y nguyên. Nhớ lại lời anh Hùng dăn, phải tìm đến các khu vực gần chợ, gần trường học mới có đông người mua, tôi nhảy lên xe đạp thẳng về khu Cầu Giấy.
Đến một ngã tư, đang băn khoăn không biết chọ lối nào thì từ đằng xa có tiếng gọi. Tôi vội cho xe ép sát vào lề đường. Người phụ nữ tay xách túi rau hỏi: “Mấy đồng một cân?”. “6 đồng bác ạ”, tôi trả lời ấp úng. “3 đồng thôi, mày cứ làm như tao không mua bao giờ!”. Biết chẳng lãi lờ là bao, nhưng sốt rột vì chưa bán được cân nào nên tôi đành gật đầu bán đại. Sau một hồi bới tung cả sọt hàng, bà khách cũng lọc ra được 3 củ, đặt lên cân mới được 8 lạng. Ném lên mẹt hàng tờ bạc 2.000đ, bà khách lạnh lùng: “Không có tiền lẻ, mai lại qua đây rồi tao trả nốt”.
Anh Hùng đẩy xe bán hàng trên đường Cầu Giấy. (Ảnh: T.B)
Bà khách vừa đi khuất, một chị bán cam đẩy sát xe về phía tôi, nói nhỏ: “Bán hàng mà nhút nhát như em thì có ngày về quê sớm, phải biết bốp trát mới mong kiếm được một vài đồng em ạ”. Chị vừa nói vừa bày cho tôi cách xếp lại mẹt hàng cho bắt mắt. Chị tên Cúc, ở Hoài Đức, Hà Tây, mới 35 tuổi nhưng đã có ngót nghét 20 năm trong nghề bán hàng rong.
“Vất vả thì làm riết rồi cũng quen, chỉ mong các anh công an lờ đi cho thì mới được nhờ. Bây giờ còn đỡ, chứ trước đây họ làm mạnh, cứ vài ngày lại bị bắt xe… Có lần xót của cố giữ bị đẩy ngã sõng soài ra đường… Xe không xin được mà có khi người còn bị đau”, chị Cúc tâm sự.
Mới đi bán được nửa ngày mà đôi chân tôi đã mỏi nhừ không muốn bước. Bụng thì đói cồn cào, tạt vào quán cơm bình dân, tôi gọi đĩa cơm 6.000đ ra ngồi cạnh xe hàng ăn ngấu nghiến.
Ngày đầu khởi nghiêp, tôi cố bán đến 11 giờ đêm cũng được 20kg củ đậu. Trừ vốn, tiền ăn, tiền thuê chiếu trọ, tôi kiếm được 20 ngàn. Anh Hùng tặng tôi bài học đầu tiên: “Ngày đầu không bị công an bắt lại được tiền tiêu như thế là thành công rồi. Tiếng là bán hàng rong nhưng cái nghề này cũng kén chọn người lắm đấy. Người nào không kiên trì thì không trụ được đâu”.
Thái Bình
Kỳ 2: Ước mơ được vào chợ