1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Muốn tiến ra biển, phải trang bị cho lực lượng hải quân”

(Dân trí) - Để tiến ra biển, bảo vệ chủ quyền và các hoạt động kinh tế biển, việc trang bị thêm cho lực lượng hải quân là điều tất yếu, Tư lệnh quân chủng Hải quân, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến khẳng định.

Thưa ông, lúc này yêu cầu bảo vệ kinh tế biển, bảo vệ hoạt động đánh cá của ngư dân đang được đặt ra như thế nào với lực lượng hải quân?

Trước hết, hải quân bảo vệ chủ quyền đất nước khi có chiến tranh xâm lược và ngăn ngừa chiến tranh, ngăn ngừa xung đột, bảo vệ toàn bộ vùng biển, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động kinh tế trên biển.
 
“Muốn tiến ra biển, phải trang bị cho lực lượng hải quân” - 1
Tư lệnh quân chủng Hải quân, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến

Hiện nay hải quân tập trung bảo vệ chung vùng biển, ví dụ khi nước ngoài xâm nhập vào các vùng biển chủ quyền của chúng ta, vùng đặc quyền kinh tế, các vùng đảo của chúng ta, hải quân có trách nhiệm xua đuổi, bắt giữ.

Hải quân bảo vệ hoạt động kinh tế ở những điểm trọng điểm, trong đó có khai thác, thăm dò dầu khí và cả hoạt động đánh cá của ngư dân… Nhưng ở đây, không thể mỗi tàu ngư dân, một tàu hải quân đi theo được và cũng không nước nào làm như thế.

Hải quân cũng đang quét sạch các “điểm đen”, tức điểm khai thác của các tàu cá nước ngoài như  Đông Bắc Cù Lao Thu, Bắc DK1…Hiện nay hầu như tàu cá nước ngoài không xâm phạm vùng biển của ta.

Thưa ông, vừa qua tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào trú bão tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã bị nhân viên vũ trang của Trung Quốc đánh đập, thu giữ tài sản. Vậy tới đây, hải quân sẽ bảo vệ ngư dân trong bão như thế nào?

Hải quân cũng như ý kiến của Bộ Ngoại giao là cực lực phản đối việc đối xử vô nhân đạo, tàn nhẫn đối với ngư dân vào tránh bão.

Ở Trường Sa, trong điều kiện bình thường, tàu Trung Quốc vào xâm phạm, chúng tôi cũng xua đuổi, nhưng khi bão xảy ra là cho vào trú đậu. Chúng tôi đưa lên trên bờ trong khu vực quân sự, nuôi ăn, sau đó trả về.

Chúng tôi cũng từng cứu giúp ngư dân Philippines, ngư dân các nước khác, bởi xâm phạm chủ quyền lúc bình thường thì khác, còn lúc bão gió là khác, cần phải giúp đỡ ngư dân.

Có một thực tế vừa qua tại một số khu vực đánh cá của chúng ta bà con có tâm lí lo lắng khi ra khơi đánh cá. Vậy hải quân làm gì để giải toả nỗi lo đó của bà con?

Trước hết, khẳng định với bà con là đánh bắt trong vùng biển 200 hải lí, vùng đặc quyền kinh tế của ta không bao giờ bị xua đuổi. Ở Hoàng Sa cũng không bị bắt đuổi, chỉ trừ vào gần điểm quân sự 3 hải lí, bởi hiện nay Trung Quốc đã chiếm, đang tồn tại tranh chấp.

Trở lại câu chuyện về Hoàng Sa, phương hướng tới đây của chúng ta sẽ như thế nào?

Vấn đề Hoàng Sa chúng ta sẽ giải quyết lâu dài, không bằng biện pháp quân sự. Chúng ta sẽ sử dụng luật pháp quốc tế, các chứng cứ lịch sử, các thông lệ quốc tế.

Vừa rồi chúng ta tổ chức một loạt hội thảo về biển Đông để khẳng định chủ quyền của chúng ta và bác bỏ đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra. Riêng đường lưỡi bò chúng ta không bao giờ chấp nhận và các nước Đông Nam Á cũng không chấp nhận.

Chúng ta đã có chiến lược biển, vậy tới đây chúng ta cần phải tăng cường sức mạnh cho hải quân để đáp ứng yêu cầu giữ vững chủ quyền, bảo vệ ngư dân trên biển?

Trong thời gian trước đây, điều kiện kinh tế đất nước còn rất khó khăn nên quân đội thắt lưng buộc bụng, không được trang bị nhiều. Hiện nay chúng ta đã có chiến lược biển và chúng ta phải tiến ra biển.

Muốn tiến ra biển được chúng ta phải bảo vệ chủ quyền, bảo vệ các hoạt động kinh tế nên phải trang bị thêm lực lượng hải quân là điều tất yếu.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ có sức mạnh quân sự, chúng ta có sức mạnh tổng hợp, có luật pháp quốc tế rồi có quốc tế, khu vực ủng hộ, lòng dân ủng hộ.

Gần đây ở biển Đông cũng có rất nhiều diễn tập quân sự chung giữa hải quân các nước. Vậy khả năng chúng ta tham gia để luyện tập tác chiến như thế nào?

Hiện nay quan điểm của ta là không tham gia liên minh quân sự nào, không đặt căn cứ quân sự trên nước mình… nhưng giao lưu hợp tác mở rộng mối quan hệ quân sự là nên làm.

Hiện nay chúng ta đã giao lưu, mời các nước đến rồi chúng ta đi thăm các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan. Tới đây còn có thể đi thăm Pháp, Nhật Bản, Mỹ. Chúng ta cũng chuẩn bị diễn tập cứu nạn với hải quân Trung Quốc.

Giao lưu như thế là tạo lòng tin, thêm bạn hải quân, thêm bạn quân sự, giảm bớt căng thẳng, học tập lẫn nhau.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường