1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chúng ta có điều kiện xây dựng tự vệ biển mạnh”

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các xã ven biển, xã ở hải đảo cần tổ chức lực lượng dân quân tự vệ với qui mô phù hợp tính chất đặc thù. Việc xây dựng lực lượng này mạnh sẽ rất ý nghĩa trong việc phối hợp hiệp đồng chiến đấu với hải quân…

Sáng 29/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật Dân quân tự vệ.

Theo dự thảo luật, "ở các xã ven biển, xã đảo tổ chức từ tiểu đội, trung đội dân quân biển, cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển được tổ chức từ tiểu đội, trung đội, hải đội đến hải đoàn tự vệ biển".

Góp ý về nội dung này, đại biểu Đỗ Văn Lực (Đồng Tháp) cho rằng, ở các xã ven biển, xã ở hải đảo, xã biên giới, lực lượng dân quân tự vệ có tính đăc thù khác với các xã ở đất liền, ở trong nội địa. Chính vì vậy, về qui mô, cần tổ chức đến cấp đại đội hoặc hai trung đội dân quân tự vệ, để đáp ứng phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ.

“Chúng ta có điều kiện xây dựng tự vệ biển mạnh” - 1
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng: phải xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển mạnh (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) còn đề nghị, đối với cơ quan, tổ chức có đội tàu đánh bắt xa bờ, phải tổ chức những đơn vị tự vệ biển phù hợp để đảm bảo hoạt động đánh bắt có hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Sở dĩ như vậy vì theo ông Trừng trong tình hình tranh chấp chủ quyền biển Đông rất phức tạp như hiện nay, nếu không tổ chức khai thác đánh bắt liên tục trên vùng biển của ta thì dần dần trong thực tế chúng ta sẽ mất chủ quyền trên vùng biển của mình.

Ông Trừng cũng đề nghị, mở rộng qui định khoản 7, điều 19 trong dự thảo luật thành: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qui định về việc mở rộng lực lượng dân quân tự vệ và việc phối hợp sẵn sàng chiến đấu giữa hải quân, cảnh sát biển và nhân dân, dân quân tự vệ trong tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

“Muốn trở thành một nước mạnh về kinh tế biển chúng ta phải xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền trên biển mạnh trong đó có dân quân tự vệ biển”, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng.

Theo ông Trừng, trước đây trong lịch sử nước ta từng có một lực lượng khi động là lính khi tĩnh là dân, tương tự như dân quân tự vệ biển hiện nay, để phối hợp với lực lượng vũ trang chính qui tạo nên những trận thủy chiến rất nổi tiếng.

“Tôi tin tưởng rằng ngày nay chúng ta hoàn toàn có điều kiện để xây dựng lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân tự vệ biển hùng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển”, ông Trừng bày tỏ.

Đại biểu Đào Xuân Nay (Bình Thuận) cũng đề nghị qui định rõ nguyên tắc về tập huấn, huấn luyện, nguyên tắc phối hợp hiệp đồng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu giữa lực lượng dân quân trên biển với Hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng khác, cũng như chính sách, chế độ của lực lượng này.

“Làm sao chúng ta thời bình vừa đánh cá, nhưng nếu giả sử có chiến tranh xảy ra thì mỗi ngư dân là một chiến sĩ hải quân”, đại biểu Nay nhấn mạnh.

Riêng qui định xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh có tổ chức dân quân thường trực, đại biểu Lê Dũng (Tiền Giang) bày tỏ sự ủng hộ, nhưng đề nghị phải xác định rõ trong luật những xã trọng điểm phải do cấp nào quy định.

Theo ông, nếu không quy định rõ trong luật thì sẽ có sự vận dụng tùy nghi của các địa phương để tổ chức dân quân thường trực ở những nơi chưa thật cần thiết.

Cấn Cường