Bộ trưởng Lê Minh Hoan:
Muốn thoát nền nông nghiệp manh mún phải có HTX bền vững
(Dân trí) - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng có HTX bền vững mới vượt qua thực trạng nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Thu nhập nông dân tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung.
Ngày 7/4, tại Hậu Giang diễn ra hội nghị định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ NN&PTNT tổ chức.
HTX ở ĐBSCL còn manh mún, nhỏ lẻ
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, tính đến hết năm 2022, vùng ĐBSCL có 2.615 HTX nông nghiệp và 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc. So với thời điểm năm 2016, tổng số HTX nông nghiệp cả vùng tăng gấp hơn 2 lần. Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL có từ 100 đến 200 HTX, tập trung nhiều ở 2 lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp là 2.000 tỷ đồng.
"Các HTX nông nghiệp trong vùng nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ cán bộ HTX, thiếu cán bộ kỹ thuật. Thành viên HTX cũng khó khăn về nguồn vốn. Do đó, HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP).
Các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp như: tín dụng, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh,…. thời gian qua các HTX nhìn chung khó tiếp cận...", Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn chỉ ra một số điểm bất cập còn tồn đọng.
Hội nghị ghi nhận 12 ý kiến phát biểu tham luận của 6 tỉnh ở ĐBSCL, 3 doanh nghiệp và 2 HTX tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang đưa ra hướng phát triển bền vững cho HTX. Khó khăn của đại đa số HTX hiện nay đang vướng mắc ở khâu liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, các tổ chức, doanh nghiệp chưa mạnh dạn gắn kết với HTX,.... một số HTX sau khi thành lập chỉ hoạt động cầm chừng, hoạt động kém hiệu quả.
HTX tiếp cận được nguồn vốn chính sách còn hạn chế. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao. Các ý kiến đều cho rằng muốn HTX tiến xa trong thời gian tới cần thay đổi cơ chế vận hành.
HTX bền vững tăng lợi nhuận cho nông dân
Từ những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, HTX mạnh hay yếu, bền vững hay không bền vững không chỉ giới hạn trong không gian, số lượng thành viên, trong sự đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của địa phương mà còn tác động đến sự bền vững của cả không gian sản xuất nông nghiệp.
"Khi và chỉ khi có HTX bền vững chúng ta mới vượt qua thực trạng nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân tăng lên nhiều lần, nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung.
Có HTX bền vững chúng ta mới hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trước hết là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Khi ấy những giá trị nông nghiệp không còn là quy mô, sản lượng mà còn tích hợp những sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi mang lại...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra ưu điểm của HTX bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị, cần sự quan tâm đúng mức với HTX, từ trong nhận thức đến hành động, từ trong hệ thống chính trị, từ ban hành các nghị quyết, chương trình hành động với mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, có thể đo lường được. Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, truyền thông nâng cao nhận thức của cả xã hội về HTX.
Chỉ đạo các cơ quan của Bộ, Cục KTHT&PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia… thông qua Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn của Bộ sẽ có những kế hoạch đổi mới sản phẩm cụ thể đối với từng địa phương.
Bộ trưởng gợi ý lấy ngày 7/4 là cột mộc mới phát triển HTX, xem đây là mốc thời gian định kỳ hàng năm tổ chức Ngày HTX ở cấp độ địa phương, cấp độ vùng nhằm tôn vinh các HTX mạnh, hiệu quả, năng động, có nhiều sáng kiến giá trị lan tỏa cộng đồng.