Muốn chống tham nhũng phải có “bàn tay sạch”
Hôm nay 31/10, vấn đề phòng chống tham nhũng sẽ được Quốc hội đưa ra “mổ xẻ”. Ông Trần Ngọc Đường - ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ - khẳng định: Không trong sạch khó chống tham nhũng!
Ông Đường cho biết: “Có thể nói sau Đại hội X và sau khi Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực, các cơ quan của Đảng, Chính phủ đã có nhiều hoạt động thực tiễn rất khẩn trương và thiết thực trong việc phòng chống tham nhũng”.
Luật đã có hiệu lực gần năm tháng, nhưng theo báo cáo của Chính phủ, mới chỉ có một số địa phương, bộ, ngành xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng?
Các bộ, ngành, địa phương không có báo cáo tình hình chống tham nhũng là do họ chưa làm kịp, hoặc họ chưa nhận thức một cách đầy đủ chỉ đạo của trung ương về tính chất nguy hiểm của tham nhũng, do đó chỉ đạo, điều hành công tác này chưa thật nghiêm túc, đầy đủ.
Điều tôi lưu tâm nhất trong báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng là có một số bộ, ngành, địa phương báo cáo có phát hiện tham nhũng nhưng lại chưa có chương trình hành động cụ thể. Tôi cho rằng phải có chương trình phòng chống tham nhũng chứ không thể báo cáo chung chung được.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng tham nhũng, lãng phí rất lớn vẫn tiếp tục xảy ra từ đầu năm đến nay, trong đó phát hiện nhiều dự án, công trình ở các địa phương bị thất thoát lên đến hàng chục tỉ đồng... Phải chăng tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm?
Thật ra, báo cáo của Chính phủ chỉ mới dừng lại ở mức khái quát tình hình triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng kể từ khi luật này có hiệu lực từ 1/6/2006. Từ năm sau trở đi theo qui định: hằng năm Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội về tình hình đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong cả nước, chứ không chỉ thực hiện luật. Việc thực hiện luật mới có mấy tháng nên Chính phủ chỉ mới điểm một số vụ việc thôi.
Nghị quyết trung ương 3 cũng như Luật phòng chống tham nhũng đưa ra một số cơ chế như kê khai tài sản, mua sắm công, nhận quà biếu... nhưng trên thực tế việc triển khai vẫn còn quá chậm?
Đúng là việc xây dựng những cơ chế trên đã được đề cập trong luật, trong nghị định của Luật phòng chống tham nhũng cũng qui định. Chẳng hạn, việc kê khai tài sản thì phải được thực hiện khi đề bạt cất nhắc cán bộ xem quyết định đó có đúng không. Hay là sắp bầu cử đại biểu Quốc hội thì những người ra ứng cử phải kê khai, chứ không phải lúc nào cũng làm.
Về mua sắm công, Chính phủ cũng có nghị định nghiêm cấm nhận hoa hồng, nếu phát hiện là xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc triển khai các nghị định của Chính phủ còn chậm. Nhiều nơi chưa thật nghiêm túc trong việc triển khai, chưa thấy hết vai trò quan trọng của nghị định.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành qui định sẽ xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng thất thoát, tham nhũng, nhưng trên thực tế nhiều nơi phát hiện vụ việc, nhưng người đứng đầu vẫn không bị xử lý hoặc “tự nguyện” từ chức?
Một kinh nghiệm rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng mà các nước đã làm, đó là người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc phòng chống tham nhũng và lực lượng này phải trong sạch, gương mẫu. Không trong sạch, gương mẫu thì rất khó. Vì vậy, ngoài việc có “bàn tay sắt” thì phải có “bàn tay sạch” để thực hiện chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Hàng nghìn tỉ đồng thất thoát do tham nhũng
Theo kế hoạch, tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền hôm nay sẽ báo cáo trước Quốc hội về việc triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Theo báo cáo, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện qui định về phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng mới phát sinh thông qua các định hướng công tác lớn.
Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung rà soát các qui định ở 10 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý cán bộ công chức; quản lý ngân sách nhà nước; giao thông vận tải; xây dựng; y tế; giáo dục; tư pháp và hành chính tư pháp.
Báo cáo cho biết Chính phủ đã tập trung chỉ đạo khẩn trương điều tra, kết luận, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp như vụ PMU 18, vụ Nguyễn Đức Chi (Khánh Hòa), vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số đơn vị trong ngành bưu điện...
Thanh tra Chính phủ từ đầu năm đến nay đã kết thúc 14 cuộc thanh tra những dự án, công trình có số vốn đầu tư lớn như dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1); dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị Hà Nội và TPHCM...
Các cuộc thanh tra đã phát hiện tổng sai phạm trị giá gần 859 tỉ đồng, 5.478.583 USD, 120.569 euro. |
Theo X.Toàn - V.H.Quỳnh
Tuổi Trẻ