“Muốn bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng cũng không đủ thông tin”
(Dân trí) - “Đại biểu lấy đâu thông tin để bỏ phiếu tín nhiệm khi chưa có chế độ báo cáo bắt buộc với từng thành viên Chính phủ? Thông tin sai lệch có thể khiến 1 Bộ trưởng đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ” - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền trao đổi.
Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, nội dung bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với lãnh đạo cấp cao đang thu hút sự chú ý tại nghị trường cũng như dư luận cả nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Trước hết phải nói các nội dung đề cập không có gì là “đổi mới” bởi những vấn đề đó người ta làm từ xưa đến nay rồi, chỉ có điều mình chưa làm nên mình nói nó mới.
Nhưng nếu phải sửa luật thì làm sao Đề án có thể đề xuất giao UB Thường vụ Quốc hội xây dựng quy trình tiến hành cụ thể để Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012?
Theo tôi không làm thế được. Đề án này kể cả trong trường hợp Quốc hội xem xét thông qua thì cũng phải sửa luật thì mới thực hiện được, trong khi đó mình có nhiều việc cấp bách hơn là thông qua một đề án để rồi phải chờ sửa luật mới thực hiện được. Đảm bảo pháp chế thì không thể lấy đề án “bác” luật được.
Phải làm đúng tất cả các quy định của pháp luật, đừng làm sai đi rồi nói là đổi mới. Giờ làm chưa đúng, cần nhận thức lại để làm đúng.
Theo chương trình, đây là nội dung được dành khá nhiều thời gian tại kỳ họp này, có tổ chức thảo luận tại tổ, tại hội trường, ra Nghị quyết để Quốc hội bỏ phiếu thông qua…
Thế nên sáng nay mới có đại biểu nói với tôi rằng chúng ta đang làm một việc rất lãng phí.
Đặt trong mối quan hệ với Nghị quyết TƯ 4 về đổi mới công tác cán bộ, việc bỏ phiếu tín nhiệm có cần thiết đặt ra, thưa ông?
Việc này phải đặt ra từ lâu rồi. Kiến nghị để sửa luật hoạt động giám sát cho thực tế, cụ thể hơn cũng được đề cập từ thời ông Vũ Đức Khiển làm Chủ nhiệm UB Pháp luật khóa 11 cho đến nay vẫn chưa làm.
Vậy theo ông, việc này nên làm thế nào cho thực chất?
Theo tôi thì phải thực hiện bỏ phiếu hàng năm không cần hội đủ yêu cầu tỷ lệ % đại biểu kiến nghị. Tỷ lệ đó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bỏ phiếu bất thường. Còn các Bộ trưởng nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu hàng năm.
Còn vấn đề nếu Bộ trưởng không nhận đủ 50% phiếu tín nhiệm nên từ chức, ông thấy có hợp lý?
Nguyên tắc chung là quy trình phải được xem xét chặt chẽ. Các đại biểu khi tiến hành bỏ phiếu phải đủ thông tin. Một thông tin sai lệch có thể làm phương hại đến 1 cá nhân nào đó, khiến 1 Bộ trưởng đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ, cần được làm thì lại phải nghỉ bởi các vấn đề về nhân sự đều phải tiến hành một cách cực kỳ chặt chẽ và thận trọng, đủ quy trình.
Theo ông cơ chế cung cấp thông tin như hiện nay có đủ để nhìn nhận, đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm về hoạt động của các thành viên Chính phủ?
Chưa đủ. Còn rất thiếu thông tin khi hàng năm các thành viên Chính phủ chưa phải báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội. Hiện tại, chỉ có Chính phủ báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của mình còn từng thành viên thì không. Đại biểu lấy đâu thông tin, ngoài những thông tin thông qua báo chí, qua đơn thư khiếu nại, qua chất vấn và trả lời chất vấn.
Muốn bỏ phiếu tín nhiệm được cần có cơ chế mới về chế độ báo cáo. Theo đó, hàng năm các thành viên Chính phủ phải có bản kiểm điểm của mình gửi cho tất cả các đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết bỏ phiếu bất tín nhiệm ai đó thì Quốc hội cần thảo luận, còn không coi như đây là báo cáo kiểm điểm cuối năm, không cần thảo luận.
Ý ông nói hiện vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm?
Cơ sở thì không thiếu, vẫn có thể làm được nhưng như tôi nói, bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến nhân sự là vấn đề rất hệ trọng nên quy trình phải được tiến hành một cách chặt chẽ và quan trọng nhất là chúng ta phải đủ thông tin. Mà muốn vậy thì còn rất nhiều việc phải làm. Nào là xây dựng quy trình, nào là cơ chế cung cấp thông tin từ người được bỏ phiếu hàng năm, rồi đến chế độ công vụ, quy định trách nhiệm cán bộ trong việc thực thi công vụ của mình. Những văn bản đó phải đồng bộ.
Còn nếu ta làm theo kiểu phong trào như kê khai tài sản để rồi thấy không ai có một tí tài sản nào thì mọi việc chỉ là hình thức. Nói bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm ngay bây giờ, tôi e rất khó thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)