1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mua vải thiều là yêu nước!

(Dân trí) - Bắt đầu từ vải thiều, tiếp đến hàng trăm loại cây trái khác của Việt Nam cũng cần chuẩn bị đối phó với kịch bản xấu nhất khi cánh cửa vào thị trường Trung Quốc hẹp dần.

Rớt nước mắt, đắng lòng, điêu đứng… vì vải thiều - những bài báo về nỗi lòng người dân trồng vải được phản ánh trên hàng loạt báo trong vụ thu hoạch năm nay, ngay lập tức, cư dân mạng rào rào hô hào “Mua vải để ủng hộ người dân”, “Là người Việt Nam hãy ăn vải của Việt Nam”…

Những ngày này ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, vải thiều cũng được ưu tiên tiêu thụ, dù măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dâu da - những đặc sản của miền Nam - được mùa chưa từng thấy.

Chung tay gỡ khó cho nông dân trồng vải ở Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), Chí Linh và Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), 11 tỉnh thành miền Tây Nam Bộ và các chợ đầu mối, doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn TPHCM đã đồng loạt ký kết thỏa thuận tiêu thụ vải.

Chuỗi siêu thị Saigon Co.op dành vị trí đẹp để tiếp thị cho trái vải. Dự kiến đến hết tháng 6, tổng lượng trái vải tươi mà Saigon Co.op giúp người trồng tiêu thụ ra thị trường là khoảng 500 tấn.

Sở Công thương TPHCM cũng đã có lời kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ với nông dân bằng việc làm thiết thực là mua trái vải, giúp nông dân bán được sản phẩm ở thị trường nội địa.

Một trong những công ty đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi này, Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) chi ngay 100 triệu đồng để mua 6 tấn vải từ chợ đầu mối Thủ Đức.

Toàn bộ số vải này sẽ được tặng cho người dân nghèo ở huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ và các Làng trẻ, Trại trẻ mồ côi trên địa bàn TPHCM.


<p class=MsoNormal style=margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;line-height:
normal>

Trẻ của trường giáo dục chuyên biệt Rạng Đông đang thưởng thức trái vải do mạnh thường quân trao tặng

Bóc trái vải đút cho các bé Trường giáo dục chuyên biệt Rạng Đông (huyện Bình Chánh, TPHCM), nhìn chúng ăn ngon lành, bà Huỳnh Thị Lan Phương - Phó TGĐ VWS nói: “Cắt một khoản ngân sách là để ủng hộ cho nông dân mình có niềm tin vào sản xuất. Không chỉ dừng lại ở trái vải, chúng tôi mong sẽ được cùng Nhà nước triển khai ủng hộ nhiều sản phẩm khác của nông sản Việt nữa”.

Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn đã ngưng kinh doanh một số mặt hàng để bán vải thiều. Mỗi người góp một bàn tay, tin rằng nông dân mình sẽ vượt qua được khó khăn.

Thông tin Trung Quốc có khả năng siết xuất nhập khẩu tiểu ngạch với Việt Nam - đã chính thức được công bố trong cuộc họp chiều 27/6 giữa lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nghĩa là có thể bắt đầu từ vải thiều, tiếp đến hàng trăm loại cây trái khác của Việt Nam cũng cần chuẩn bị đối phó với kịch bản xấu nhất khi cánh cửa vào thị trường Trung Quốc hẹp dần.

Trong “nguy” có “cơ”. Tình hình này sẽ khiến người Việt đoàn kết hơn và lần đầu tiên, đầu ra cho nông sản Việt sẽ được đặt lên bàn nghị sự, bàn bạc, tìm cách khai phá thị trường mới một cách nghiêm túc nhất. Biết đâu, đây sẽ là cơ hội chấn hưng ngành Nông sản Việt Nam…

Tin tốt lành mới nhất vừa được công bố chiều 29/6, sau nhiều nỗ lực 10 tấn vải Việt Nam đầu tiên đã lên đường sang Nhật Bản

Bắt đầu từ nông sản, rồi phải tính đến các mặt hàng khác nữa.

“Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm với cộng đồng. Doanh nghiệp - Nông dân - Cơ quan quản lý sẽ là “những đôi bạn cùng tiến”, cũng là cách để tập hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt”, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định.

Hồng Tâm