1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Mưa trắng trời, người dân liều mình băng qua dòng nước chảy xiết

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Con đường duy nhất dẫn vào một ốc đảo ở Quảng Nam bị ngập nặng. Bất chấp dòng nước chảy xiết nguy hiểm, hàng trăm người dân vẫn liều mình băng qua để về nhà.

Mưa ngập đập tràn dẫn vào thôn Lệ Bắc

Trưa 15/10, mưa như trút nước, con đường độc đạo dẫn vào thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị ngập, người dân buộc phải lội bộ băng qua dòng nước chảy xiết để về nhà, mua nhu yếu phẩm dự trữ cả tuần nếu bị cô lập.

Thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) là một ốc đảo nằm giữa sông Thu Bồn, con đường duy nhất dẫn vào ốc đảo này phải đi qua một đập tràn.

Mưa trắng trời, người dân liều mình băng qua dòng nước chảy xiết - 1

Con đường độc đạo dẫn vào ốc đảo Lệ Bắc đã bị ngập từ trưa 15/10 (Ảnh: Ngô Linh).

Bà Hồ Thị Năm (68 tuổi) cho biết bà làm nghề buôn giá đỗ ở chợ Duy Châu, mỗi khi muốn họp chợ hay ra ngoài đều phải đi qua đập tràn.

Sáng cùng ngày, bà Năm đi chợ sớm, nước vẫn còn mức thấp, đến trưa về, nước đã lên đến đầu gối. Theo bà Năm, đầu giờ chiều có khả năng sẽ cấm đi lại vì mưa to liên tục khiến nước sông lên nhanh.

Mưa trắng trời, người dân liều mình băng dòng nước xiết để về nhà (Video: Ngô Linh).

Theo người dân Lệ Bắc, khu vực đập tràn thường xuyên xảy ra tai nạn do nước cuốn trôi. Chỉ cần nước sông dâng ở báo động 1 cũng khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, nguy hiểm; đến báo động 2 thì khu vực đường dẫn vào thôn bị ngập sâu 3-4m.

Gần 1.300 nhân khẩu của 365 hộ dân thôn Lệ Bắc, trong đó có 400 em học sinh bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của địa phương.

Mưa trắng trời, người dân liều mình băng qua dòng nước chảy xiết - 2

Người dân liều mình băng qua dòng nước chảy xiết để về nhà (Ảnh: Ngô Linh).

Mỗi khi mùa mưa lũ đến, người dân thôn Lệ Bắc lại phải cõng con tới lớp hoặc chen chúc trên ghe để sang bên kia bờ. Nỗi ám ảnh trượt chân nước cuốn đã từng xảy ra không ít lần.

"Người dân mong chính quyền sớm làm cầu để bà con đi lại, quá cực khổ rồi. Tội nhất là mấy cháu học sinh, nước quá lớn là phải nghỉ học hoặc di chuyển bằng đò rất nguy hiểm", bà Năm chia sẻ.

Mưa trắng trời, người dân liều mình băng qua dòng nước chảy xiết - 3

Mưa to như trút nước, người dân thôn Lệ Bắc tranh thủ nước còn thấp để mua nhu yếu phẩm trước khi bị cô lập (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Hồ Văn Tám, Trưởng thôn Lệ Bắc, cho biết khi mùa mưa lũ về, sông Thu Bồn chảy qua địa bàn thôn tạo thành con lạch. Gần 50 năm qua, mưa lũ khiến con lạch này sạt lở dần. Từ đó, con lạch trở thành một con sông lớn ngăn cách, cô lập cả thôn với bên ngoài.

Nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ, địa phương bố trí một con đò để đưa bà con qua sông Thu Bồn. Tuy nhiên, việc dùng đò cũng gặp khó khăn khi nước sông chỉ hơn nửa mét thì không thể dùng vì quá cạn, ghe thuyền không di chuyển được, nhưng đây là thời điểm nước chảy rất mạnh.

Nhiều lần địa phương tuyên truyền, cắm biển báo nhưng một số người vẫn lội qua vì cuộc sống mưu sinh.

"Người dân muốn qua chợ, học sinh muốn đến trường cũng phụ thuộc vào con nước. Vì vậy, Lệ Bắc khát khao có một cây cầu kiên cố để đi lại thuận lợi nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực", ông Tám nói.

Nhiều khu vực thấp trũng bị ngập sâu

Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài còn khiến nhiều khu vực thấp trũng ở TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, bị ngập nước, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Mưa trắng trời, người dân liều mình băng qua dòng nước chảy xiết - 4

Mưa lớn, vùng trũng thấp tại phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ bị ngập sâu. Người dân đã di chuyển đến nơi an toàn (Ảnh: Bình An).

Đoạn đường dẫn vào chợ Tam Kỳ được lực lượng chức năng giăng dây cấm phương tiện đi vào, đồng thời hướng dẫn người dân lưu thông qua đoạn đường khác để vào trong chợ, các hộ dân buôn bán kê đồ đạc lên vị trí cao nhằm tránh ngập nước, hư hỏng hàng hóa.

Một số tuyến đường bị nước lũ tràn qua, cơ quan chức năng cấm lưu thông như tuyến ĐT615, đoạn xã Tam Đàn đi Tam Thăng thuộc TP Tam Kỳ bị ngập sâu gần 1m.

Tại khu dân cư Mỹ Thạch Trung (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ), nước lũ dâng cao ngập sâu gần 1m, người dân ở đây phải sử dụng ghe làm phương tiện đi lại mua thực phẩm.

Khu dân cư phía sau Sở Tài chính và Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Nam nước lụt ngập tới cổ người lớn. Người dân phải dùng ghe đi mua thực phẩm (Video: người dân cung cấp).

Trước tình hình mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Tam Kỳ chỉ đạo các ngành, địa phương trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đồng thời vận động đưa người già neo đơn trong vùng ngập sâu đến nơi an toàn.

Đến trưa 15/10, chính quyền TP Tam Kỳ đã vận động di dời 15 hộ dân neo đơn, già yếu đến nơi an toàn.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ 3h đến 6h ngày 15/10, các địa phương vùng trung du và đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến mưa rất to như Núi Thành (lượng mưa đo được là hơn 107mm), Xuân Bình (105mm), Thăng Bình (hơn 90mm).

Chiều cùng ngày, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to. Mưa to gây nguy cơ ngập lụt cục bộ những vùng trũng thấp và ven sông tại các địa phương TP Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, TP Hội An…

Một người bị nước cuốn trôi mất tích

Khoảng 3h ngày 15/10, anh V.V.L. (43 tuổi) cùng vợ tên H. (ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) chèo ghe đi thả lưới trên sông Trường Giang, đoạn chảy qua thôn Bình Tý, xã Bình Giang.

Trong lúc thả lưới, chiếc ghe không may bị lật chìm xuống sông. Phát hiện sự việc, người dân gần đó kịp thời cứu được chị H., còn anh L. bị nước cuốn mất tích. Đến chiều cùng ngày, nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm