Mưa trắng trời, người dân Đà Nẵng chật vật trên phố ngập nước
(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay 25/9 khiến nhiều tuyến phố Đà Nẵng bị ngập, một số vị trí giao thông ùn ứ trong giờ cao điểm ngày đầu tuần.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ đêm qua đến sáng nay 25/9, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, Đà Nẵng có mưa lớn kéo dài khiến đoạn đường Tôn Đức Thắng, Bắc Sơn, Lê Duẩn, Khu công nghiệp Hòa Khánh bị ngập nhiều đoạn.
Tại đường Tôn Đức Thắng, đoạn giao nhau với Ngã Ba Huế, mưa lớn khiến nước không thoát kịp gây ra ngập. Phương tiện di chuyển khó khăn khiến giao thông tại đây bị ùn tắc.
Tại khu vực KCN Hòa Khánh (đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu), một số đoạn đường ngập đúng giờ cao điểm buổi sáng đầu tuần. Nước từ các kiệt, hẻm kéo theo bùn đất chảy ra tuyến phố chính, tạo thành dòng nước có màu nâu.
Theo Đài khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, vào 7h sáng 25/9, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 290 km về phía Đông Đông Nam, cách quảng Ngãi khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 8.
Trên đất liền, từ tối 25 đến sáng 26/9, vùng ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam và phía Bắc Quảng Ngãi đề phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.
Từ 25/9 đến 27/9, khu vực Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 350mm.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Đà Nẵng vừa ban hành công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Ban Chỉ huy đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp để chủ động phòng tránh.
UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới, lũ, lũ quét và sạt lở đất; Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt.
Trong đó, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét...
Các quận, huyện triển khai chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ".