1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khu vực hồ Sinh Thái - TP Huế:

Mùa mưa - Mùa lội nước!

(Dân trí) - Cứ sau mỗi trận mưa to, nước từ hồ Sinh Thái (xã Thuỷ An, TP Huế) lại tràn vào nhà dân sống quanh bờ hồ, trên đường Đặng Văn Ngữ, ứ đọng trong lòng nhà nhiều ngày, tạo nên một thứ nước sền sệt đen ngòm và bốc mùi hôi thối.

Đi ghe trong nhà

 

Giống như mọi lần, sau cơn mưa, nhà ông Văn Việt Lành lại “tràn trề” nước. Tất cả đồ đạc cũng như mọi sinh hoạt của gia đình đều phải chuyển lên gác. “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn tập thể giửi lên UBND tỉnh nhưng vẫn thế: hễ mưa lại phải lội”, ông Lành ngán ngẩm than với chúng tôi.

 

Gia đình ông đã nhiều lần đổ đất, nâng nền cao hơn mặt hồ thế nhưng vẫn không ăn thua. Lội nước riết đâm sinh bệnh. Ông Thành cho biết mình vừa chữa khỏi bệnh tổ đỉa do lội nước nhiều quá thì hôm nay trời lại mưa, nước lại tràn vào nhà. Cũng theo lời ông thì ở đây, chẳng phải chỉ mình ông mắc căn bệnh đó.

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Bê cũng chung cảnh ngộ. Sau cơn mưa, nước tràn vào nhà. Nắng lên, nước bốc mùi hôi thối, nồng nặc xộc vào tận mũi. Theo bà Bê thì nguyên nhân khiến cho nước ở đây bị ô nhiễm nặng là do nhiều hộ làm bún và lò mổ xả nước thải ra thẳng hồ.

 

Hầu hết các gia đình ở đường Đặng Văn Ngữ đều “sắm” sẵn một chiếc ghe trong nhà. Thế là sống giữa thành phố nhưng vào mùa mưa, dân tình ở đây đều lấy ghe làphương tiện vận chuyển, vì mắc các bệnh da liễu. Thậm chí, đi từ nhà xuống bếp cũng dùng… ghe. Chuyện “lạ” này nghe có vẻ buồn cười, nhưng ngẫm lại thấy không cười nổi…

 

Bao giờ hết sợ trời mưa?

 

Nguyên nhân khiến nước hồ Sinh Thái tràn hết vào nhà dân mỗi khi trời mưa là do hồ đã bị chặn mất dòngchảy. Trước đây hồ Sinh Thái chảy theo đường cống ra phía nhà thi đấu của tỉnh. Nhưng từ khi dự án sông Đà được triển khai, người ta chia lô xây nhà nên đổ đất cao lên, nước từ hồ Sinh Thái thấp hơn nên không thể thoát ra được.

 

Thêm vào đó, tất cả mọi rác thải, nước bẩn đều được “ưu ái” đổ xuống lòng hồ khiến hồ trở thành ao tù, vô cùng ô nhiễm.

 

Theo ông Nguyễn Tô Hoài, phó chủ tịch UBND xã Thuỷ An, UBND xã cũng đã nhiều lần giửi kiến nghị của nhân dân lên UBND tỉnh, tỉnh cũng đã nhiều lần cho đoàn thanh tra xuống để khảo sát. Xã cũng đã tiến hành họp dân, đưa ra phương án làm đường bê tông và tuyến cống bê tông, kinh phí xã bỏ 70%, dân chịu 30%.

 

Nhưng đến nay, tất cả vẫn nằm im trên giấy vì “Chúng tôi đang chờ kinh phí ở trên rót xuống chứ UBND xã không đủ khả năng để làm việc đó”, ông Hoài giải thích.

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn gửi xuống UBND xã Thuỷ An, đồng ý phương án làm đường bê tông và tuyến công bê tông dọc theo kiệt 19, đường Đặng Văn Ngữ, đổ ra sông An Cựu và phải đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa lũ. Nhưng chắc lại phải đợi đến mùa mưa năm sau, chứ năm nay thì… Dân ở đây lại đang bắt đầu một “mùa lội”.

 

Khánh Hồng