Mưa lũ nhấn chìm nhiều tuyến đường, cô lập hàng nghìn hộ dân
(Dân trí) - Cơn mưa lớn kéo dài liên tục trong hai ngày mùng 5 và 6/9 đã làm nhiều khu vực ở các thành phố, nhiều làng mạc ở miền Trung bị cô lập bởi nước. Ít nhất đã có 5 người thiệt mạng vì mưa lũ lần này...
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong 2 ngày mùng 5 và 6/9, mưa to tiếp diễn liên tục, nhất là tại các huyện miền núi như Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc… Mưa lũ đã khiến nước trên các con sông dâng cao, nhiều điểm ở khu vực miền núi bị ngập lụt.
Tại huyện Thường Xuân, đến chiều ngày 6/9, nhiều địa phương trong huyện đã bị cô lập, hàng trăm héc ta lúa và hoa màu bị mất trắng, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Đến tối ngày 6/9, mưa to vẫn tiếp diễn trên địa bàn khiến nhiều địa phương được đặt trong tình trạng báo động.
Ông Vũ Ngọc Nam - Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân - cho biết, mưa lũ đã khiến 2 người trên địa bàn xã bị chết. Gần 14h chiều 6/9, chiếc xe taxi 7 chỗ của hãng Mai Linh đang chở 3 khách (1 nữ và 2 nam) đi đến đoạn đập tràn của hồ Xuân Thành đã bị cuốn trôi theo dòng suối. 2 hành khách nam trên xe và lái xe may mắn thoát chết, chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1993), ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, do không thể mở cửa thoát ra ngoài nên đã tử vong trong xe.
Vào lúc 14h30 phút cùng ngày, tại điểm tràn hồ Na Luốc, thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng, trong lúc đi bắt cá, anh Phạm Văn Quân (sinh năm 1982), ở thôn Phú Vinh, đã bị trượt chân ngã và bị nước lũ cuốn trôi. Hiện thi thể của nạn nhân đã được tìm thấy.
Theo thống kê, lượng mưa trên địa bàn huyện Thường Xuân trong hai ngày qua lên tới 190 mm, gây tình trạng ngập úng tại nhiều nơi. Hiện, toàn bộ xã Lương Sơn, một phần xã Ngọc Phụng với hàng nghìn hộ dân đã bị lũ cô lập hoàn toàn. Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc ở Lương Sơn đã bị hư hỏng, không thể hoạt động được, hàng trăm héc ta lúa, hoa màu, mía bị ngập lụt, mất trắng hoàn toàn…
Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, hiện toàn xã Lương Sơn bị cô lập, nhiều vùng của xã Ngọc Phụng ngập chìm trong nước. Nhiều tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến 23 giờ đêm ngày 6/9, tuyến đường từ thị trấn Thường Xuân lên xã Lương Sơn vẫn còn bị chia cắt nhiều đoạn. Hàng trăm cán bộ, các lực lượng cùng phương tiện xuồng cao tốc đã được huy động để triển khai công tác phòng tránh lũ.
Trước mắt, chính quyền địa phương cùng các lực lượng đang khẩn trương sơ tán người dân đến các điểm cao trong xã. Ước tính có khoảng hơn 300 ha lúa mùa bị mất trắng.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Lang Chánh, tình hình mưa lũ cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều địa phương trong huyện đã bị cô lập, hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước. Ông Lê Văn Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Lang Chánh - cho biết, do nước lũ lên nhanh nên từ 14h đến 17h chiều 6/9, địa phương đã phải triển khai công tác di dời hơn 500 hộ dân ở thị trấn Lang Chánh và các xã lân cận. Tình trạng ngập lụt và tiếp tục có mưa lớn cũng đang diễn ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trước tình hình mưa lụt đang diễn biến phức tạp, chiều ngày 6/9, ông Đinh Viết Hồng - PCT UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo ban PCLB - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra tình hình ngập lụt và công tác phòng chống mưa lụt ở các huyện Đô Lương, Yên Thành và Diễn Châu.
Toàn huyện Đô Lương có 1.500 ha lúa, 500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập. Còn tại huyện Yên Thành đến chiều 6/9 mưa đã làm ngập 2.520 ha diện tích cây trồng các loại, trong đó có 2350 ha lúa, 150 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có 1.000 nhà dân bị ngập. Hiện nay tuyến đê và cầu tràn đập Phú Ninh ở xã Khánh Thành mức nước dâng cao, nếu tiếp tục mưa lớn sẽ đe dọa đến người dân sống sau đê.
Trong khi đó, tại huyện Yên Thành mưa lớn chưa từng có trong ngày 6/9 làm cho hàng trăm hộ dân bị ngập lụt. Người dân tại xã Khánh Thành đã phải vận chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Tại xóm Phú Văn có gần 150 hộ bị ngập nước, đường làng ngõ xóm ngập sâu gần 1m, không thể đi lại. Nhiều xóm đang bị cô lập, đặc biệt có xóm Quan Trồng bị nước cô lập hoàn toàn, có nơi ngập sâu 1,4 m, việc đi lại của người dân nơi đây chỉ có thể bằng thuyền. Đặc biệt, dòng sông Vũ Giang có đoạn dài khoảng 1,3 km bờ hữu bị nước ngập sâu 60cm và có những điểm nguy cơ sạt lở rất cao.
Theo báo cáo nhanh của ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, do lượng nước trên các sông lên nhanh gây ngập lụt gần 1,500 hộ dân, 800ha lúa hè thu và gần 500 ha cây ăn trái các loại. Ngoài ra, nhiều công trình kênh mương điện, đường, trường, trạm bị ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng. Mưa lớn kéo theo lũ lên đột ngột, chính quyền địa phương cùng người dân phải sơ tán nhiều hộ dân ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn để phòng tránh lũ.