1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mưa lớn lại cô lập Pác Nặm

(Dân trí) - Khi lực lượng cứu hộ chưa kịp khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở Pác Nặm hôm 4/7 thì sáng nay, 10/7, một cơn mưa lớn lại đổ xuống “rốn lũ” này, cô lập toàn huyện với bên ngoài.

Sáng nay, trên khắp địa bàn huyện Pác Nặm, những cơn mưa lớn tiếp tục trút xuống. Lượng mưa không nhiều bằng đợt mưa gây sạt lở đất hôm 4/7 song do đất ở các triền núi đã bị ngấm nước từ trận mưa trước nên hàng loạt các triền núi đã liên tiếp bị sạt đất, chặt đứt các con đường giao thông, liên lạc.
 
Đất đá đã làm sập thêm một số nhà dân và trụ sở làm việc ở nhiều xã trong huyện. Tạm thời, huyện chưa thể thống kê được con số thiệt hại do đường giao thông bị tắc, thông tin từ các xã rất khó truyền ra do sóng điện thoại phập phù. Tuy nhiên, ông Hà Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho hay, theo thông tin ban đầu, toàn huyện không có thêm thiệt hại nào về người. 
 
Mưa lớn lại cô lập Pác Nặm - 1
Đập tràn xã Nghiên Loan bị dìm trong biển nước khiến nhiều xe cứu hộ bị ách lại

Toàn bộ đường giao thông các xã đều bị hàng ngàn mét khối đất đá sạt xuống, chắn ngang, dù những con đường này vừa mới được thông xe mấy ngày nay. Trục đường chính từ thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) vào trong huyện Pác Nặm cũng bị cắt đứt. Đập tràn xã Nghiên Loan chìm sâu trong biển nước khiến tất cả các xe chở hàng cứu trợ bị ách lại ở đây. Đến trưa nay, trục chính này mới được thông trở lại. Mưa cũng đã dừng ở nhiều xã.

Trong khi đó, tại bản Khên Lền, 9 nạn nhân của vụ sạt lở hôm 4/7 vẫn nằm sâu dưới đống đổ nát. Đoàn cứu hộ gần 300 người đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa thể tìm thêm được một thi thể nào. Thượng tá Đỗ Văn Tác, Trưởng Ban cứu hộ cứu nạn (Quân khu I) cho biết, đến tối ngày hôm qua, 9/7, lực lượng cứu hộ đã bóc được một lớp đất sâu xuống hơn 1 mét ở những nơi chó nghiệp vụ phát hiện có xác người bị nạn. Tuy nhiên, cơn mưa rất lớn bắt đầu vào khoảng 9 giờ sáng nay làm cho các lớp đất đá trên các triền núi có hiện tượng nứt gãy. Dãy núi sau bản xuất hiện vết nứt dài gần 1km, rộng 3-5cm và có nguy cơ sạt lở tiếp. Phải đến gần trưa, nhận thấy không có nguy hiểm, lực lượng cứu hộ mới tiếp tục công việc tìm kiếm.
 

Tình nguyện viên “đổ bộ” vào vùng “rốn lũ”

 

 

Không quản ngại gian khó, 30 tình nguyện viên đã vượt hơn 10 km đường đất trơn trượt, có nguy cơ sạt lở để vào với người dân vùng lũ Pác Nặm. Để vượt qua quãng đường này, 30 chiếc áo xanh đã cuốc bộ hơn 3 tiếng đồng hồ.

 

Ngyễn Văn Huy, một tình nguyện viên, cho biết: “Biết rằng hiện tại nơi đây đang rất nguy hiểm nhưng thấy bà con dân tộc khổ quá nên mấy anh em quyết định vào giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt”.

 

Được biết, các tình nguyện viên này đều là nhân viên của các cơ quan đoàn thể trong tỉnh Bắc Kạn.

 

Từ trên núi nhìn xuống, những chiếc áo xanh đang ngày đêm giúp người dân vùng lũ khiến dân bản rất cảm động. Chị Cà Thị Vân, một người dân vừa bị lũ quét cuốn trôi ngôi nhà, xúc động: “Chúng tôi cũng không biết nói gì hơn, xin cảm ơn các anh chị tình nguyện đã về đây giúp chúng tôi dựng nhà, khắc phục hậu quả lũ lụt”.

 

Theo ông Ma Văn Môn, Chủ tịch xã Nhạn Môn, cho biết đoàn tình nguyện viên sẽ làm việc giúp dân trong 4 ngày, đêm xuống có thể họ cũng sẽ thức trực lũ cùng cán bộ xã.
 
Vài hình ảnh đẹp về những chiếc áo xanh giữa vùng lũ bùn lầy tan hoang đã được Dân trí ghi lại:
 
Mưa lớn lại cô lập Pác Nặm - 2


Mưa lớn lại cô lập Pác Nặm - 3


Mưa lớn lại cô lập Pác Nặm - 4


Mưa lớn lại cô lập Pác Nặm - 5

 
(Văn Chương)

 

Tiến Nguyên - Tuấn Hợp