Mưa lớn kéo dài, nước dâng cao, lo lũ chồng lũ ở Huế
(Dân trí) - Sáng 7/11, tại Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa lớn gây ngập trên diện rộng. Hiện tại, nước ở các sông đang lên, dự báo vượt quá báo động III. Người dân Huế lo lũ chồng lũ, lặp lại trận lũ lịch sử gần 20 năm trước.
Theo ghi nhận, do mưa lớn kéo dài, các trục đường lớn tại Huế như Đống Đa, Bà Triệu, Trường Chinh, Dương Văn An, Hùng Vương, Bến Nghé… vẫn đang ngập sâu trong nước, nhiều nơi ngập quá đầu gối khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Nhiều xe hư hỏng, chết máy giữa đường. Nhiều cây xanh bị gãy đổ và đang được các lực lượng chức năng tiến hành di dời.
Nhiều người dân hối hả mua lương thực dự trữ cho những ngày mưa bão tiếp theo trên tuyến đường Nguyễn Thái Học và các chợ được dọn ra giữa đường ở nhiều nơi trên TP Huế.
Tại các sông, nước đã tràn bờ trở lại do mưa to và thủy điện xả lũ, dự kiến sẽ tiếp tục dâng cao ngay trong chiều nay. Tại Đập Đá, nước vẫn đang chảy xiết cô lập hoàn toàn hai tuyến đường Lê Lợi – Nguyễn Sinh Cung. Barie vẫn được chắn ngang để đảm bảo an toàn cho người dân.
Hiện nay đang có mưa to, mực nước các sông có khả năng lên trở lại mức báo động III hoặc cao hơn.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 6 người chết, 4 người mất tích do bão lũ.
Nước sông dâng cao tại Huế.
Nhiều tuyến đường ngập sâu tại TP Huế.
Đường Huỳnh Thúc Kháng ngập nước toàn bộ, nước vẫn đang lên khá nhanh
Mưa trắng trời sáng 7/11, một chiếc xe máy đang đứng giữa dòng nước gần sông không dám đi tiếp.
Người dân Huế lo lặp lại trận lụt lịch sử năm 1999.
Khánh Hòa 32 người chết do bão lũ
Sáng 7/11, Ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này bão số 12 đã làm 32 người trên địa bàn tỉnh này tử vong và hiện vẫn còn nhiều người mất tích.
Về thiệt hại vật chất, tài sản, bão số 12 cũng làm hơn 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; hơn 3.800 ha diện tích lúa bị ngập; hơn 6.200 ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại; hơn 44.300 lồng bè bị trôi hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hư hỏng nặng nề... Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ước tính thiệt hại do bão gây hơn 7.000 tỷ đồng.
Hiện nay, theo ghi nhận của PV Dân trí, công tác khắc phục hậu quả sau bão vẫn còn chậm. Tại TP Nha Trang, cây xanh bị bật gốc trên đường phố đã được thu dọn nhưng ở một số vùng ven vẫn chưa có điện.
Tại huyện Vạn Ninh, hàng loạt nhà dân bị tốc mái vẫn còn ngổn ngang. Theo UBND huyện Vạn Ninh, trên địa bàn có hơn 12.000 lồng, bè nuôi tôm hùm hư hại, thiệt hại về tài sản là rất lớn. Tại huyện, hàng loạt gia đình mất trắng lồng bè cũng đồng nghĩa trắng tay. Ngoài ra, số người chết trên Vịnh Vân Phong do ở lại lồng bè liên tục được các tàu giã cào tìm thấy.
Sáng nay, 4/7, công tác hốt dọn các điểm sạt lở nghiêm trọng trên quốc lộ 27C - đường Nha Trang - Đà Lạt vẫn đang được triển khai. Theo ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.3 (thuộc Cục quản lý Đường bộ III, Tổng cục Đường bộ), hiện nay trên quốc lộ 27C có khoảng 10 điểm sạt lở nghiêm trọng, đất đá chắn ngang lối đi. Trong đó, tại KM 57+600 đã bị đứt đường hoàn toàn. Ít nhất vài ngày nữa, đường này mới được thông tuyến.
Trước đó, vào 4h ngày 4/11, bão số 12 đã đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, từ Khánh Hòa đến Phú Yên. Tại Khánh Hòa, sức gió cao nhất khi bão đổ bộ đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn, với lượng mưa hơn 200mm đã gây nên những thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Bạch Châu - Đại Dương - Viết Hảo