"Mưa là bài toán khó nhất trong dự báo khí tượng"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Dự báo mưa là bài toán khó nhất trong lĩnh vực dự báo khí tượng, do mưa là một yếu tố có mức độ biến động rất lớn, phân bố rất không đồng đều, đặc biệt là mưa dông.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về trận mưa "kỷ lục" xảy ra chiều 29/5 tại Hà Nội, công tác dự báo mưa và diễn biến thời tiết trong những ngày tới tại các tỉnh miền Bắc, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Trung tâm) - cho biết, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25 độ bị nén, nên trong ngày 29/5, nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng tăng. Chiều 29/5, hiện tượng mưa dông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Nam đồng bằng Bắc Bộ sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn trong khoảng 2 giờ, từ khoảng 14h đến 16h.

Tổng lượng mưa tích lũy trong khoảng 2 giờ chiều 29/5, tại một số điểm: Văn Điển 118 mm; Láng 138 mm; Tây Hồ 150 mm; Cầu Giấy 170 mm. Theo số liệu quan trắc lịch sử tại trạm khí tượng Láng, lượng mưa tích lũy trong 2 giờ cao nhất là 132.5 mm, ghi nhận ngày 18/6/1986.

Mưa là bài toán khó nhất trong dự báo khí tượng - 1

Ông Mai Văn Khiêm. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Như vậy, lượng mưa 170 mm ở Cầu Giấy trong 2 giờ là lớn nhất theo số liệu có được từ trước đến nay, giá trị như vậy ứng với chu kỳ khoảng 100 năm xuất hiện một lần. Lượng mưa 150 mm ở Tây Hồ ứng với chu kỳ khoảng 50 năm xuất hiện một lần", ông Khiêm nói.

Trong những ngày vừa qua, ở các tỉnh Bắc Bộ đã xuất hiện mưa dông, thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm. Từ ngày 28/5, Trung tâm đã ban hành tin mưa dông và cảnh báo mưa lớn cục bộ, mưa đá, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Với đợt mưa chiều ngày 29/5, cơ quan khí tượng thủy văn đã ban hành bản tin dự báo mưa dông diện rộng và mưa lớn ở Bắc Bộ từ chiều ngày 28/5. Đến 13h10 chiều ngày 29/5, thông qua việc theo dõi ảnh mây vệ tinh, rada thời tiết, Trung tâm đã phát tin cảnh báo mưa dông cho khu vực Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Như vậy Trung tâm đã cảnh báo được khả năng xuất hiện đợt mưa trước một ngày và dự báo cụ thể được hiện tượng mưa dông ở Hà Nội trước khoảng 30-40 phút.

Mưa là bài toán khó nhất trong dự báo khí tượng - 2

Trận mưa lớn chiều 29/5 khiến nhiều tuyến đường Hà Nội ngập sâu. (Ảnh: Mạnh Quân).

Về công nghệ dự báo mưa hiện nay, theo ông Khiêm, dự báo mưa là bài toán khó nhất trong lĩnh vực dự báo khí tượng, do mưa là một yếu tố có mức độ biến động rất lớn, phân bố rất không đồng đều, đặc biệt là mưa dông.

"Một cơn dông gây ra một trận mưa cả trăm mm, nhưng cũng có những cơn dông chỉ gây ra sấm chớp và không mưa giọt nào mà chúng ta hay gọi là dông khan. Do đó, việc dự báo có hay không có dông thì đã dự báo tốt, nhưng việc dự báo cụ thể dông gây ra mưa chính xác bao nhiêu mm, ở đâu và khi nào là một bài toán rất khó đối với khoa học hiện nay",  ông Khiêm nói.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết thêm, hiện nay, công nghệ dự báo cực ngắn của Việt Nam và trên thế giới dựa vào radar cho phép dự báo trước dự hình thành, dịch chuyển và phát triển của các ổ mây dông từ 30 phút đến 3 tiếng.

Ngoài ra, theo dự báo, từ đêm 30/5 đến ngày 31/5, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80 mm, có nơi trên 100 mm; ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm khu vực Hà Nội) có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. 

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. 

Khu vực vùng núi Bắc Bộ trong những ngày qua đã có mưa nhiều và trong những ngày tới tiếp tục mưa, tại các vùng đồi núi đất đá đã bão hòa nước nên nguy cơ trượt lở đất đã vẫn ở mức cao, người dân cần đề phòng với các hiện tượng trượt lở tránh gây thiệt hại về người và tài sản vật chất.

Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7-9/2022. Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11/2022. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.