1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một trẻ tử vong, 2 trẻ hôn mê sau tiêm phòng

Sau khi tiêm phòng bệnh sởi - quai bị - rubella, 3 cháu bé từ 13 đến 16 tháng tuổi đã bị biến chứng dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng, sốt cao, nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan và hôn mê. Tối qua, một bé đã tử vong.

Sáng 10/5, giám đốc Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng I phải tập trung hết sức để cứu chữa 3 bệnh nhi dưới hai tuổi bị tai biến do tiêm phòng bệnh sởi - quai bị - rubella.

Tai biến giống nhau

Trưa 10/5, khi chúng tôi đến khu hồi sức cấp cứu của BV Nhi Đồng I đã thấy một bệnh nhi (BN) khoảng hơn một tuổi đang nằm bất động, lơ mơ trên giường cấp cứu. Lồng ngực BN co rút gấp gáp trong hơi thở, đang được hỗ trợ thở oxy.

Đặc biệt, một nửa bên người, từ khuỷu tay trái cho đến phần cổ, lan xuống ngực bên trái của BN đỏ ửng và sưng phù rất to.

Trong phòng hồi sức cấp cứu còn có hai bé khác cũng có biểu hiện và triệu chứng tương tự. Cả ba bé này đều bị biến chứng sau khi được tiêm phòng phòng bệnh sởi-quai bị-rubella tại trạm y tế phường 8 và 9, quận 5. Trong đó có hai bé nhập viện ngày 9/5 là H.C.V. (16 tháng tuổi) và N.M.Q. (13 tháng tuổi) đều ở phường 8, quận 5. Một bé nhập viện sáng 10/5 là N.T.B. (13 tháng) ở  phường 9.

Miền Bắc: 1 tháng, trên 1.000 người mắc rubella

 

"Trên 1.000 người ở các tỉnh miền Bắc đã mắc rubella riêng trong tháng tư vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc rubella liên tục tăng, mặc dù theo thông lệ, thời điểm số người có mắc cao nhất ở miền Bắc là mùa đông - xuân" - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Phạm Ngọc Đính đã thông báo hôm 10/5, tại hội thảo về bệnh rubella tổ chức tại Hà Nội.

Thông tin ban đầu từ BV Nhi Đồng I cho thấy cả ba BN đều đang trong tình trạng rất nguy kịch: suy hô hấp nặng phải thở máy, sốt cao, nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan, đã hôn mê và tối 10/5, một bé đã tử vong. Lãnh đạo Sở Y tế đã có mặt ngay tại BV để ghi nhận tình hình.

Chưa phát hiện sai sót

BS Lê Trương - giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Q.5 - cho biết văcxin tiêm phòng cho các cháu có tên Triorix do Công ty GlaxoSmithKline sản xuất. Văcxin này có tác dụng phòng ngừa được ba bệnh sởi, quai bị và rubella.

Giá một mũi tiêm là 105.000 đồng. Trước tình hình có bệnh rubella xảy ra, ngày 26/4 TTYT Q.5 đã mua 100 liều văcxin (được khuyến mãi thêm 9 liều) của Công ty TNHH Hoàng Đức. Quá trình vận chuyển văcxin được Công ty Hoàng Đức thực hiện đúng qui trình.

Theo BS Lê Trương, văcxin này do Công ty dược phẩm Sapharco (trực thuộc Sở Y tế TPHCM) nhập khẩu, còn Công ty Hoàng Đức phân phối. Số văcxin này được sản xuất tháng 12/2005 và có hạn sử dụng đến tháng 12/2008. Tuy nhiên, Công ty Sapharco cho biết công ty chỉ nhập khẩu ủy thác cho Công ty Zuellig Pharma, còn phân phối là do phía Zuellig thực hiện.

Sau khi nhập văcxin về, đội y tế dự phòng Q.5 đã cử cán bộ xuống tận địa bàn là một số trường học và gần 10 phường của Q.5 để tiêm phòng cho 76 trẻ em, còn lại 33 liều chưa tiêm. Trong đó, ngày 8/5, đội đã tiêm cho hai bé tại phường 8 thì cả hai sau đó đều bị tai biến. Riêng ngày 9/5, tiêm phòng cho năm bé, có một bé bị tai biến.

Sáng 10/5, TTYT Q.5 họp khẩn ngay trong đơn vị để kiểm tra lại toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện mua, bảo quản và kỹ thuật chích văcxin cho các BN vừa qua tại địa bàn Q.5. Qua đánh giá, kiểm tra của Trung tâm y tế dự phòng, phòng nghiệp vụ y, cũng như việc tự kiểm tra đánh giá của TTYT chưa phát hiện sai sót ở khâu nào.

TTYT Q.5 đã đề nghị các trạm y tế phường phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của các cháu đã tiêm phòng trong lô hàng văcxin nhập về ngày 26/4. Nếu có gì bất thường phải báo ngay về TTYT Q.5.

Sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM và phòng nghiệp vụ y đã xuống kiểm tra toàn bộ qui trình bảo quản văcxin của TTYT Q.5. 33 liều văcxin còn lại được niêm phong và mang đi kiểm nghiệm chất lượng. Trung tâm cũng lấy mẫu một số bơm kim tiêm của nhà sản xuất Vikimco (Công ty liên doanh y cụ VN - Hàn Quốc, sản xuất tại Vĩnh Long) chưa sử dụng - loại kim tiêm mà TTYT Q.5 đã dùng để tiêm phòng cho các cháu - đem đi kiểm nghiệm để xác định xem bơm kim tiêm có đảm bảo vô trùng hay không.

Chưa thể kết luận

Theo một số cán bộ chuyên môn, việc xảy ra tai biến nghiêm trọng sau tiêm phòng cùng lúc cho cả ba trẻ trên cùng một địa bàn, do cùng một đơn vị tổ chức chích ngừa, cùng một nguồn gốc văcxin, trong thời gian ngắn là vấn đề rất đáng quan tâm.

Một số cán bộ chuyên môn nghi ngờ có thể trẻ bị tai biến do mấy khả năng: chất lượng văcxin có vấn đề (do sản xuất hoặc do bảo quản không đúng qui trình trong quá trình mua bán, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng), kỹ thuật tiêm chích, do bơm kim tiêm...

Tuy nhiên, những khả năng này chỉ là giả thuyết. Sở Y tế TPHCM cần nhanh chóng tìm hiểu và xác định chính xác nguyên nhân gây ra tai biến.

Theo Lê Thanh Hà, Lan Anh
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm