Một thuở Đông Hồ
(Dân trí) - Cho đến nay, người ta cũng chưa biết ông tổ nghề in tranh của làng Đông Hồ là ai? Nghề in tranh có tự bao giờ?
Thời Hồ Quý Ly đã ban phát tiền giấy. Dấu tích đó, chứng tỏ thuở ấy, nghề in khắc gỗ đã phát triển với trình độ cao. Mà in khắc gỗ, lại xuất phát từ hình thức in kinh Phật. Vậy thì in khắc gỗ - hình thức in tranh, phải có từ nghìn năm về trước. Nghề in tranh làng Hồ hẳn có tử thời ấy.
Qua nhiều sưu tầm, khảo cứu, người ta cũng chưa tổng kết được đến nay, làng Hồ có bao mẫu tranh? Chi tiết đó, chứng tỏ sức sáng tạo phi thường của ông cha tại một làng nghề thủ công.
Tranh Đông Hồ "Bịt mắt bắt dê"
Thuở trước, mỗi năm mỗi nhà in tranh, lại nhờ vẽ thêm vài mẫu tranh mới để đem khắc bản in. Vì thế, mẫu tranh làng Hồ ngày càng nhiều, càng phong phú. Trong mỗi loại tranh, lại có nhiều mẫu tranh khác nhau. Cùng một mẫu, lại có tranh sắc đậm sắc nhạt. Cùng mẫu tranh “Hứng dừa”, người khắc tranh mẫu này kiểu này, người kiểu khác. Người thêm chi tiết này, người giảm chi tiết kia. Chính điều này, làm tranh Đông Hồ càng thêm tự nhiên, càng phong phú.
Cách chế màu, vẽ tranh Đông Hồ thì lạ lắm. Nghệ nhân làng Hồ đa phần dùng màu thật, ít pha trộn màu. Ngay trong một bức tranh, màu nóng (đỏ, vàng, da cam), kề bên cạnh màu lạnh (trắng, xanh, tím, lam...) mà tranh vẫn không bị chối, vẫn chuyển màu. Vậy màu lấy ở đâu mà tươi sáng vậy? Đã bao hoạ sĩ, bao nhà nghiên cứu mỹ thuật băn khoăn điều ấy.
Một bà mẹ mặc quần vải thâm, áo vải diềm bâu nhuộm nâu, ngồi in tranh, môi ăn trầu cắn chỉ, vui vẻ trả lời: - Màu chúng tôi lấy ngay những thứ xung quanh mình thôi. Đỏ: lấy sỏi đồi nghiền vụn, dùng nước cây vang, nấu lên pha vào. Xanh: các lá cây ở vườn chúng tôi. Đấy lá cây bưởi, lá cây mít, lá cây cam...
Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguễn Đăng Chế
Muốn có màu xanh lam, chỉ việc lấy khế chua xát lên mâm đồng, lấy gỉ đồng ấy là có màu xanh lam. Màu vàng thì lấy ở hoa hoè, lấy ở quả dành dành. Còn màu đen cứ việc lấy lá tre, đốt lấy than ngâm kỹ. Toàn những thứ quanh chúng tôi cả thôi. Mỗi lần lấy vài sọt sỏi đồi, vài gánh lá cây về làm màu, là tha hồ vẽ.
Nói thì đơn giản, nhưng làm được màu đẹp không hề dễ. Cứ như màu đen đây, lá tre vừa rụng còn vàng (không thể lấy lá xanh hay lá rụng lâu sắp mục) đem đốt. Đốt đến đâu, vẩy nước tắt đến đấy. Khi đốt, phải lựa chiều gió, không được cho gió bay ngược lại. Than lá tre đem ngâm vài năm, mới lấy ra dùng. Màu đen của than lá tre vừa đằm, vừa bóng, hơn hẳn màu đen mực Tàu.
Quá trình làm điệp thì thật tinh vi và tỉ mỉ. Những con sò ở bãi biển, đem về nghiền nát, dây lọc bột nhỏ. Đấy là công việc của người làng Đạo Tú bên cạnh. Làng Hồ mua điệp về, bồi lên giấy in tranh là giấy dó mua ở Đống Cao (Yên Phong, Bắc Ninh) ở Bưởi (Hà Nội). Khi quét điệp lên, giấy cứng hơn, nền sáng lấp lánh, tôn thêm vẻ đẹp của tranh.
Người in tranh muốn có tranh đẹp, phải nhờ người vẽ mẫu, khắc mẫu giỏi. Người vẽ mẫu, khắc mẫu tranh lên ván gỗ mít đều là người trong làng. Người làng Hồ vẫn còn nhắc đến những nghệ nhân giỏi của làng mình, như cụ Lĩnh, cụ Nhì Lãnh, ông Lăng, cụ Cư, cụ Đám Duyên, cụ Đám Lan, cụ Trai, ông Chế, bà Gấm...
Khi cơn gió nhẹ mát đầu thu thổi về, là lúc mùa in tranh làng Hồ bắt đầu vào vụ rộ. Những năm trước, cả làng làm tranh. Nhà nào nhà ấy tranh đầy trong nhà, tranh hong khắp sân... Tháng Chạp tới, chợ tranh làng lại mở. Chợ làng một tháng sáu phiên. Những ngày giáp Tết, chợ họp thông phiên. Đình làng Mái (tên cũ của làng Hồ ngày nay) tấp nập, từ cuối tháng một ta. Mỗi nhà in tranh ra dựng một lều bán tranh xung quanh cái sân đình lát gạch nghiêng, đầy bóng mát cây cổ thụ.
Khách mua tranh khắp nơi kéo về ùn làng, ùn xóm. Phường đi ngựa, phường đi bộ, phường thắng thuyền theo sông xuôi về. Khách đến ngủ trọ chuyện trò rôm rả. Người làng càng dốc sức vào việc in tranh. Mỗi ngày, mỗi người in tới hai nghìn tranh. Bà già, chị em con mọn quét hơn hai nghìn biên tranh. Chao ôi người làm vui quên cả mệt, quên cả giờ giấc, phao dầu đèn rót đầy lại vơi.
Ngày mở chợ. Tranh bày rực sân đình. Màu sắc ánh lên mặt người. Người khiêng tranh trong làng ra kìn kìn. Người chở tranh đi ùn ùn... Chợ toàn người bán tranh, mua tranh. Thêm mấy hàng bán chiếu manh, để người mua tranh dùng làm bao bì đóng gói. Mấy con ngựa gõ móng bên chợ. Từng cặp, từng cặp thuyền cắm sào ngoài bến chờ hàng.
Người bán không kịp hàng cho người mua. Mỗi phường mua hàng chục muôn (mỗi muôn là một vạn tờ tranh). Người mua khi trả bằng tiền, khi đổi bằng hàng hoá khác. Phường Hà Đông lên mang lụa. Phường Móng Cái về đem mắm cá thơm ngon... Mỗi phường mua tranh theo ý riêng của mình. Phường Hải Hậu (Nam Định) gần biển xanh lại ưa mua tranh nhiều màu đỏ, phường Thanh Hoá thích tranh Bà Triệu...
Chợ họp quá trưa mới tan. Những con thuyền đầy hàng, nhổ sào rời bến. Những cỗ xe ngựa, xe trâu lặc lè lăn bánh. Có phường mua không tiện đường sá, thì khênh, thì gánh bộ.
Đấy là cảnh chợ tranh làng Đông Hồ những ngày áp Tết năm xưa.
Tôi về thăm làng hôm nay, nghe người dân làng kể lại mà nuối tiếc. Cuộc sống đổi thay, cái đẹp cũng khác trước. Những bức tranh điệp làng Hồ sắc màu rực rỡ gài bên cửa liếp hoặc đính trên tường đất mái tranh không còn nữa. Nhà bê tông mái bằng, tường bả ma-tít trơn lì, như không còn chỗ cho những bức tranh dân dã.
Tranh in ra không bán được. Làng chỉ còn hai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Sần giữ nghề in tranh. Cả làng quay ra làm đồ vàng mã. Sự thải loại tự nhiên làm mất nghề in tranh điệp ở làng Hồ làm tôi sững buồn. Tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Hoàng Cầm: “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...”./.
Theo Vũ Từ Trang
VOV