1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An:

Một thai phụ mất con sau khi khám tại phòng khám tư

(Dân trí) - Sau khi “cắt dây chằng cho dễ đẻ” ở phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Quế, chị Nhã đau bụng, ra huyết. Bác sĩ Quế cho rằng chị bị động thai và cho thuốc uống. Mấy ngày sau, chị Nhã đau bụng dữ dội, sinh một cháu trai nhưng đứa trẻ đã tử vong.

 
Một thai phụ mất con sau khi khám tại phòng khám tư - 1
Bác sĩ Nguyễn Thị Quế: "Đúng là phòng khám của bác chưa có giấy phép. Có gì cháu bỏ qua cho bác".
 

Trong đơn thư tố cáo gửi đến báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Luận ở xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, phản ánh: Con dâu bà là chị Đậu Thị Nhã, 20 tuổi, hồi tháng 4/2009 có đến khám thai tại phòng khám sản phụ khoa của BS Nguyễn Thị Quế, (nguyên Trưởng Khoa sản BV Quỳnh Lưu), mở tại xóm 12, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Khi đó chị Nhã đang mang thai ở tháng thứ 2. Sau khi khám, BS Quế cho biết chị có một dây chằng chắn ngang cửa thai, khi nào đến tháng thứ 7 thì “đến đây bác cắt đi cho dễ đẻ”.  

 

Ngày 19/9/2009, khi thai nhi vừa tròn 7 tháng tuổi, chị Đậu Thị Nhã trở lại phòng khám của BS Quế để cắt dây chằng. Tại đây, sau khi siêu âm, chẩn đoán thai phát triển bình thường, BS Quế tiến hành phẫu thuật cắt dây chằng cho chị Nhã, thu 150.000 đồng. Sau đó, chị Nhã về nhà thì lên cơn sốt, chân tay rã rời, đau đớn, có huyết ra ở vùng kín.

 

Sáng 24/9, chị Nhã đi tiểu thì thấy rơi ra một miếng thịt bằng hai ngón tay màu đỏ, dính máu và một đoạn dây chỉ khâu. Hoảng sợ, bà Luận đưa chị Nhã đến phòng khám của BS Quế kiểm tra.

 

Tại đây, một bác sĩ khác tên Nam siêu âm cho chị Nhã, với kết quả: “Thai 24 tuần 4 ngày đang phát triển”. BS Quế tiếp tục khám lại và kết luận không có gì bất thường, chỉ bị động thai, uống thuốc là khỏi. Lần này BS Quế lấy 80.000 đồng tiền siêu âm và 20.000 đồng tiền thuốc. Số thuốc này không được bác sĩ kê đơn.

  

Chị Nhã về nhà uống thuốc theo lời dặn nhưng không thấy đỡ đau bụng, biểu hiện khó chịu ngày càng nặng. Đến 17 giờ ngày 2/10, chị Nhã đau bụng dữ dội, được đưa vào BV Đa khoa Quỳnh Lưu cấp cứu. Tại đây chị Nhã sinh được một cháu trai nhưng bác sĩ cho biết cháu đã chết trước đó 2 ngày.

 

Sáng 3/10, bà Luận cùng người nhà đến phòng khám của BS Quế thắc mắc về việc bà cắt dây chằng cho chị Nhã. BS Quế khẳng định: “Tôi làm bác sỹ hơn 30 năm, đã cắt hàng trăm ca như thế mà không can gì. Thai chết lưu là vì không kiêng, còn tôi cắt cho cháu là bảo đảm”.

 

Một thai phụ mất con sau khi khám tại phòng khám tư - 2
Mặc dù chưa có giấy phép hoạt động nhưng hằng ngày tại Phòng khám của BS Quế có hàng trăm lượt người ra vào khám. (Ảnh: Nguyễn Duy)

 

 

Về trường hợp của chị Nhã, ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc BV Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Vinh Quang - PGĐ bệnh viện và ông Vũ Ngọc Tiệng - Trưởng khoa sản BV Quỳnh Lưu đều khẳng định thai của chị đã chết lưu 2-3 ngày trước khi nhập viện. Nguyên nhân chưa được kết luận. “Còn việc cắt dây chằng mà BS Quế làm thì cũng không ảnh hưởng gì đến sinh mạng của thai nhi vì bệnh viện chúng tôi cũng có làm một số ca như thế để cho dễ đẻ”.

 

Trao đổi với PV Dân trí, BS Nguyễn Thị Quế khẳng định: “Việc cắt dây chằng để sau này dễ đẻ không ảnh hưởng gì đến thai nhi. Chẳng qua trường hợp này là do sự trùng lặp mà thôi. Khi cắt tôi có thấy điều gì xảy ra hay ảnh hưởng gì đâu…”.

 

Một thai phụ mất con sau khi khám tại phòng khám tư - 3
Chị Đậu Thị Nhã đau buồn khi mất đứa con đầu lòng.(Ảnh: Nguyễn Duy)

 

Khi PV ngỏ ý muốn xem giấy phép hành nghề, BS Quế luống cuống: “Tôi đang làm thủ tục. Tôi cũng vừa mới nghỉ hưu hồi cuối tháng 9/2009. Đúng là phòng khám tư của tôi vẫn chưa có giấy phép. Tôi đã làm hồ sơ xin rồi nhưng mất khoảng 2 tháng nữa mới có. Có gì cháu thông cảm cho bác…”.

 

Về vụ việc này, ông Ngô Văn Thắng - Trưởng Phòng Y tế huyện Quỳnh Lưu - cho biết: “Việc thai nhi con chị Nhã thì tôi chưa nghe. Còn Phòng khám BS Quế tôi cũng không rõ là đã có giấy phép hay chưa, nhưng tôi nghĩ là có rồi. Mà vấn đề giấy phép là do Sở Y tế chúng tôi cũng không được phép…”.

 

Cũng theo ông Thắng, hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 7 phòng khám tư nhân. Tiêu chuẩn để được mở phòng khám phải là BS, cán bộ làm trong bệnh viện nghỉ hưu hoặc trong cơ quan Nhà nước nhưng làm ngoài giờ. Còn phía Phòng Y tế huyện chỉ được phép kiểm tra một số hạng mục như thiết bị, dụng cụ y tế, cơ sở vật chất… các phòng khám đó chứ không có quyền kiểm tra giấy phép.

 

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, mặc dù chưa có giấy phép nhưng Phòng khám tư nhân của BS Quế đã hoạt động công khai khoảng hơn hai năm nay.

 

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm