Một sợi bún 3 Bộ chịu trách nhiệm

(Dân trí) - Phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đưa ra ví dụ cụ thể cho việc chồng chéo trong vấn đề an toàn thực phẩm; đó là việc quản lý chất lượng bún đang được tới 3 Bộ chịu trách nhiệm.

Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016. Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh những bất cập đan xen, chồng chéo, không phân định rõ trách nhiệm thuộc Bộ nào trong lĩnh vực này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đưa ra ví dụ cụ thể cho tình trạng chồng chéo là việc quản lý chất lượng bún đang được tới 3 Bộ chịu trách nhiệm.

“Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công Thương, rồi sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.


Đại biểu Phạm Trọng Nhân phản ánh sự chồng chéo trong quản lý thực phẩm.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phản ánh sự chồng chéo trong quản lý thực phẩm.

Theo đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), một số mặt hàng, sản phẩm giao thoa giữa các Bộ đang có sự đan xen, không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm dẫn đến việc buông lỏng quản lý. Cũng như nhiều đại biểu khác, bà Yến cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất cơ quan quản lý an toàn thực phẩm về một đầu mối duy nhất, không nên để ba Bộ đều quản lý như hiện nay.

Bức xúc trước thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm, nhiều đại biểu cho rằng, những gì chúng ta biết và xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, ít nhất hàng năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm nhưng người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận.

Theo ông Mai, trong bối cảnh chung sống với thực phẩm không an toàn, một bộ phận dân cư có điều kiện thì tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo kiểu tự cung, tự cấp; còn đa số phó mặc sức khỏe tính mạng cho may rủi, số phận.

“Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thế nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương chi của họ”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói gay gắt và mong đợi lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật.

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm chung của cả hệ thống, nhưng những Bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp phải cố gắng theo.

Ông Cường cho biết, sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình giám sát, sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch chi tiết để trình Chính phủ. Mặt khác sẽ rà soát các cơ quan, tổ chức để thực thi pháp luật, đồng thời tăng cường sự phối hợp liên ngành để thực hiện tốt nhất trách nhiệm được phân công quản lý.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hành lang về các văn bản quy phạm pháp luật an toàn thực phẩm khá đầy đủ, đồng bộ. Vấn đề còn lại là thực thi, kiểm tra, xử phạt. Bà Tiến cho biết, tới đây sẽ sửa ngay một số nghị định, trong đó có nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (hiện còn quá nhẹ, chưa nghiêm) và Luật Hình sự (để xử phạt vi phạm hình sự trong an toàn thực phẩm).

Bộ trưởng Y tế cho rằng, chúng ta nói rất nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng mặt khác phải kể đến là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa thực hiện nghiêm các luật về an toàn thực phẩm. Chính vì thế chúng ta mới thấy có hai luống rau, hai chuồng lợn, người sản xuất vì lợi nhuận mà làm trái pháp luật, trong khi đó việc xử lý vi phạm còn nhẹ, không đảm bảo răn đe.

Vì vậy, Bộ trưởng Y tế cho rằng cần phải kêu gọi lương tri của người sản xuất để họ không vì lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật, bất chấp đến tính mạng sức khoẻ người tiêu dùng.

Làm rõ vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề cần phải làm là thiết lập hệ thống đo kiểm dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn để người dân phân biệt được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào là không an toàn. Việc này không chỉ nằm trong các phòng thí nghiệm ở các Bộ mà cần huy động hệ thống phòng thí nghiệm của các doanh nghiệp.

“Chúng ta cũng phải tăng cường để có trang thiết bị kiểm định, kiểm chuẩn ở các chợ đầu mối và thậm chí ở các siêu thị để người dân có điều kiện được xác minh thực phẩm có an toàn hay không”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Quang Phong