Một nhà sư đi vay tiền làm từ thiện
60 năm, sư bà Thích Đàm Ánh, 83 tuổi, chủ trì chùa Phụng Thánh, Hà Nội đã kêu gọi được hàng chục tỷ đồng để cứu người nghèo đói. Bà vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương lao động hạng ba vì thành tích này, nhưng khi hỏi chuyện bà gạt đi: "Làm phúc không mong được ghi công".
Sinh năm 1924 trong một gia đình nhà nho bị phá sản tại Bắc Giang, sư Ánh từng 3 lần chết đi sống lại. Ba tháng tuổi bố mẹ chia tay, sư ở với bà ngoại. Đến năm 5 tuổi, buôn bán lỗ vốn, người mẹ "ăn cắp" con ruột đi bán cho một nhà thổ ở Lạng Sơn để lấy một đồng bạc. Rất may, bà trốn ra chợ, gặp người làng và được họ đưa về với bà ngoại.
"Bà ngoại mượn thày tướng đến xem, thày phán tôi chẳng ai nuôi được, chỉ có đi tu mới tốt", sư bà Ánh giải thích lý do lên chùa khi mới 10 tuổi. Cuộc sống tu hành khắc nghiệt, đói triền miên khiến sư Ánh phải ăn vụng cà muối, rồi uống một bát nước lã thật to cho đầy cái bụng thì mới ngủ được. "Một hôm, không chịu được đói, tôi đứng trước tượng Phật khấn được ăn một bát cơm trắng, không phải độn ngô khoai sắn, sau này dù nghèo thế nào cũng sẽ đi làm phúc giúp người nghèo hơn", sư Ánh nhớ lại.
Lời nguyện ấy theo sư Ánh suốt đời. Trong nạn đói lịch sử năm 1945, chính tay chú tiểu Ánh bó chiếu, chôn xác và cầu siêu cho hàng trăm người dân chết đói. Năm 1946, bà đi khắp Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... để học giáo lý đạo Phật, đồng thời vừa tham gia Phật giáo cứu quốc, vừa làm việc nuôi mình và giúp trẻ nghèo.
Tằn tiện, vay tiền làm từ thiện cứu người
Năm 1974, sư Ánh được giao trụ trì chùa Phụng Thánh, Hà Nội, tiếp quản ngôi chùa xiêu vẹo, đồ đạc chẳng có gì ngoài 30 cái bát cũ, mấy manh chiếu rách, mấy thước vải mối xông. Với kinh nghiệm làm tương, khâu khuy áo bông, may áo bà ba từ thời ở hợp tác xã, sư Ánh ngày đêm sản xuất. Sau này, bà phát triển thêm nghề ướp chè sen, chè bưởi và nấu cỗ chay.
Chè nhài, chè sen nhà chùa làm ra không đủ bán, dù giá bao giờ cũng đắt gấp 3-4 lần chè thông thường. Còn tương mỗi năm đều đặn xuất 2.000 lít. Cỗ chay chùa Phụng Thánh ngon nổi tiếng, ngày rằm, mùng một khách ra vào nườm nượp. Đến bây giờ, sư Ánh vẫn đi chợ mua thực phẩm, rồi trực tiếp nấu nướng. Bà tỏ ra tiếc nuối vì không thể ngồi máy khuy áo kiếm tiền vì đôi mắt đã không còn tinh tường.
Tiền kiếm được, sư Ánh dành toàn bộ giúp đỡ các trại phong, trung tâm nuôi dưỡng thương binh, trẻ mồ côi, người già cô đơn trên toàn quốc. Hầu như địa phương nào chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ đều có mặt sư Ánh, gần đây nhất là bão Chanchu, năm ngoái là lũ quét ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. sư Ánh đã trao cho 32 quản trang liệt sĩ Quảng Trị mỗi người một con bò. "Có người biết, còn gửi thư ra xin tiền mua bò", vừa nói, sư Ánh vừa chìa ra lá thư đóng dấu bưu điện của tỉnh Bến Tre.
5-6 năm nay, sư Ánh đi cùng với Trung ương Hội chữ thập đỏ. Bão Chanchu vừa qua, Trung ương Hội chi 100 triệu đồng, quyên góp được 12 triệu đồng, sư Ánh đi vay đủ 150 triệu đồng giúp đồng bào. "Thấy tôi vay mượn, một nhà hảo tâm đã tự nguyện ủng hộ 30 triệu đồng. Đợt ấy, tôi mang 168 triệu đồng đến trao tiền cho gia đình nạn nhân ở Quảng Nam", sư Ánh khoe, đôi mắt nheo lại, miệng móm mém cười.
Trừ dịp lễ tết, hoặc đi làm từ thiện, ngày thường bà vẫn mặc chiếc áo nâu sồng can tay, chiếc quần với vô số mảnh vá mà có người vẫn đùa "quần vô tuyến". Đôi dép nhựa đi 4 năm nay, bị thủng ở gan bàn chân, nhưng vì quai, đế còn tốt nên nhà sư vẫn đi vì "vứt đi quá lãng phí".
Tâm nguyện trước khi nhắm mắt
Năm nay bước sang tuổi 83, mắt đã kém, bước đi không còn nhanh nhẹn, nhưng giọng nói còn sang sảng và đặc biệt trí nhớ của sư bà Thích Đàm Ánh vẫn rất tốt. Bà có thể đọc vanh vách những bài thơ tự sáng tác để động viên mình trong những tháng năm nghèo khó. Bà bảo từ nay đến cuối năm sẽ cùng các sư sản xuất lấy tiền xây 10 ngôi nhà đại đoàn kết (mỗi nhà 10 triệu đồng) cho bà con nghèo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Bình Thuận; trao nốt 40 con bò cho 40 quản trang liệt sĩ ở Quảng Trị.
Và một tâm nguyện của sư Thích Đàm Ánh trước khi nhắm mắt là xây được ngôi nhà cho một số cụ già cô đơn. Hiện chùa Phụng Thánh là nơi tạm trú của 6-7 người ngoại tỉnh. Cô Phạm Thị Quế, quê Ninh Bình, ở nhờ chùa Phụng Thánh 2 năm nay, kể: "Em lay lắt ở Hà Nội mấy tháng trời mà vẫn không tìm được chỗ ở, việc làm thì không có. Nghe có người giới thiệu, em mạnh dạn đến chùa xin ở nhờ và được sư Ánh giúp đỡ".
Giải thích về công việc âm thầm của mình, sư Ánh nói: "Đức Phật nói danh lợi giống như nén hương. Thắp lên, hương thơm chưa kịp lan tỏa thì đã tàn. Tôi chẳng cần danh lợi, chỉ mong sao có thể chia sẻ bớt khó khăn cho người nghèo".
Đó cũng là lý do hằng ngày, tại ngôi chùa nằm sâu trong ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên, có một vị sư già cùng 3 sư trẻ cần mẫn sản xuất, tích cóp tiền làm từ thiện.
Theo Hồng Khánh
Vnexpress