1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Trị:

Một năm sau sự cố Formosa: Nhiều mô hình kinh tế đang hình thành trên cát

(Dân trí) - Sau sự cố xả thải của Formosa, bên cạnh việc duy trì hoạt động khai thác, đánh bắt, một số bà con ngư dân đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ chủ trương Nghị định 67 để đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu lớn vươn ra khơi, số khác tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đảm bảo sinh kế lâu dài.

Nhìn lại quá trình bà con ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Trị thay đổi phương thức sản xuất từ đánh bắt, khai thác hải sản kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi thì kết quả bước đầu đạt được chưa thật sự hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhưng đó là dấu hiệu cho thấy sự tích cực, mạnh dạn, sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính quyền các cấp và bà con ngư dân vùng biển.

Chuyển đổi sinh kế gắn với đảm bảo nhu cầu sống cho ngư dân

Sự cố môi trường biển được đánh giá là thảm họa nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đại bộ phận ngư dân về cả trước mắt và lâu dài. Để đảm bảo sinh kế cho người dân ven biển, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở NN-PTNT cùng các Sở, ngành, địa phương xây dựng đề án “Chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho ngư dân vùng biển”.

Mục tiêu của đề án nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng biển một cách bền vững, trên cơ sở phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, tiềm năng, lợi thế của từng vùng; động viên bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển để sản xuất và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Đặc biệt, sau khi nhận được tiền bồi thường sự cố môi trường, bà con ngư dân đã sử dụng một phần kinh phí đầu tư mua ngư, lưới cụ để phát triển sản xuất, một phần trang trải cuộc sống. Qua một thời gian tích cực vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi sinh kế, Sở NN-PTNT cũng đã bố trí cán bộ tăng cường giúp chính quyền 16 xã ven biển và nhân dân các địa phương xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất phù hợp.

Mô hình trồng lạc kết hợp với đậu xanh của ngư dân huyện Gio Linh
Mô hình trồng lạc kết hợp với đậu xanh của ngư dân huyện Gio Linh

Bước đầu, các địa phương ven biển đã thực hiện có hiệu quả một số mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi như: mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh, đậu đen xanh lòng vụ Hè thu 2016 tại xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong với diện tích 70 ha. Mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt có áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm tại xã Hải An, huyện Hải Lăng; chăn nuôi tổng hợp tại xã Hải An. Trồng nén, trồng sả trên đất cát tại các xã ven biển Triệu Phong, chăn nuôi ở các địa phương Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh… đã nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.

Mặc dù, ban đầu bà con ngư dân chưa quen với việc sản xuất nông nghiệp, phần do điều kiện tự nhiên, khí hậu của mỗi vùng có sự khác nhau, song với những mô hình sản xuất đang hình thành trên các vùng cát ven biển, đã cho thấy sự khả quan để chính quyền các địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng. PV Dân trí đã ghi nhận sự chuyển đổi phương thức sản xuất của bà con ngư dân các địa phương.

Nuôi lợn rừng… trên cát

Xác định công tác chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân là yêu cầu bức thiết, khi sự cố môi trường đã gây ảnh hưởng lớn đến người dân, việc khai thác, đánh bắt bị gián đoạn, chính quyền xã Trung Giang, huyện Gio Linh đã tận dụng diện tích đất chưa canh tác cho bà con mượn để chuyển đổi 12 ha đất sang trồng trọt, chăn nuôi.

Sau mấy tháng thực hiện, địa phương này đã hình thành hàng chục mô hình chăn nuôi, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Trong số đó, hộ anh Hoàng Văn Hoan (SN 1973, ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang) đã nuôi thử nghiệm giống lợn bản có nguồn gốc từ Lào khá điển hình. Từ 4 con giống ban đầu, đến nay trang trại nuôi lợn thả của vợ chồng anh Hoan đã có hàng chục con sinh trưởng khỏe mạnh, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đàn lợn bản của anh Hoan ở xã Trung Giang bước đầu mang lại hiệu quả
Đàn lợn bản của anh Hoan ở xã Trung Giang bước đầu mang lại hiệu quả

Anh Hoan cho biết: “Trang trại có diện tích 3ha, tôi thuê đất của địa phương rồi đem lợn giống, gà giống từ Lào về nuôi. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, tôi xây dựng hệ thống chuồng trại, hàng rào khép kín, đào ao… để nuôi heo bản, heo lai Landrace, gà và vịt”.

Tất cả con giống đều được anh Hoan mua từ Lào về. Heo bản được thả rông, còn heo Landrace đời lai F1 và heo nái sinh sản được nhốt chuồng để tiện bề chăm sóc. Ngoài ra, để lấy ngắn nuôi dài, anh Hoan còn nuôi thêm gà lấy thịt, gà đẻ trứng và nuôi vịt siêu thịt… Hiện nay, cả heo bản và heo Landrace đều đã xuất bán được. Riêng heo bản đã có người đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn nhưng vì chưa đủ số lượng để cung cấp nên anh quyết định chưa bán nhiều mà chỉ xẻ thịt bán lẻ ở địa phương.

Trang trại nuôi gà lai Bình Định của anh Trần Tấn Phát (30 tuổi, ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang) cũng đang dần phát huy hiệu quả bước đầu. Trang trại của anh Phát được xây dựng và đưa vào hoạt động từ giữa năm 2014. Với số vốn ban đầu khoảng 350 triệu đồng, anh xây chuồng trại nuôi gà khép kín với diện tích chuồng 750 m2 có đầy đủ hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Mỗi năm, anh nuôi từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa nuôi 8.000 con. Sau một lứa nuôi, anh thu lãi ròng từ 40-50 triệu đồng. Từ con giống đến nguồn thức ăn và khâu đầu ra đều được đảm bảo nên trang trại chăn nuôi gà của anh Phát ngày càng phát triển.

Đàn gà của anh Phát sinh trưởng tốt và bắt đầu cho thu lãi
Đàn gà của anh Phát sinh trưởng tốt và bắt đầu cho thu lãi

Thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật và trợ giúp vốn cho thanh niên, trên địa bàn huyện Gio Linh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, nhiều điển hình thanh niên sản xuất giỏi, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tận dụng lợi thế để chăn nuôi bò, trồng cây

Là người gắn bó với biển từ thuở nhỏ nên anh Nguyễn Luật (46 tuổi, ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) cũng nuôi ước mơ bám biển, bám nghề của cha ông. Sau vụ cá chết hàng loạt, anh Luật đã vay thế chấp 150 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, gia cầm và làm vườn.

Nhờ lựa chọn hướng đi phù hợp, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và biết cách tận dụng lợi thế đồng cỏ, bãi chăn thả nên công việc nuôi bò của gia đình anh đang phát triển tốt. Mới chưa đầy 4 tháng nhưng 5 con bò giống đã phát triển khá nhanh.

Anh Luật cho hay, trong số 5 con bò mua về có 2 bò mẹ sắp sinh sản nên việc nhân rộng đàn bò trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, gia đình anh đã cải tạo mở rộng đất vườn để trồng sắn, đậu xanh nhằm tận dụng làm thức ăn chăn nuôi và tăng thêm thu nhập.

Sau sự cố môi trường, anh Luật chuyển hướng phát triển chăn nuôi bò
Sau sự cố môi trường, anh Luật chuyển hướng phát triển chăn nuôi bò

Hiện nay, ngư dân tại huyện Gio Linh đang tích cực chăm sóc hơn 1 ha cây sả dược liệu, theo định hướng chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là mô hình trồng thử nghiệm đầu tiên, để có cơ sở nhân rộng sang các địa phương khác tại tỉnh Quảng Trị. Khi cây sả cho ra thành phẩm, Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị cam kết sẽ đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con ngư dân.

Đối với ngư dân các vùng biển bãi ngang, việc tạo sinh kế lâu dài cho bà con được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Trần Văn Thận, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Thời gian qua, nhằm đảm bảo sinh kế cho ngư dân, chính quyền đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân thay đổi hướng sản xuất. Đến nay tại địa phương đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên cát (10 hộ trồng dứa, 30 hộ trồng cây nén, 10 hộ chăn nuôi lợn, gà). Dù chưa mang lại hiệu quả kinh tế nhưng cũng tạo cho bà con niềm tin để nhân rộng sản xuất. Việc khai thác hải sản cũng đã có chiều hướng phục hồi, song ngoài các hộ tích cực bám biển thì một số hộ ngư dân có nhu cầu chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu đánh bắt trung và xa bờ”.

Đăng Đức - Trần Thanh