Một lần vượt bão
Tàu cảnh sát biển (CSB) 3004 chở những người lính tuổi đời ngoài 30 giàu nhiệt huyết rẽ sóng nhằm hướng đảo Bạch Long Vỹ. Cảng Đông Hải và TP Hải Phòng chỉ còn là chấm nhỏ xa mờ sau nửa giờ tàu chạy. Sóng cấp 6 chồm lên từng đợt, con tàu vẫn thẳng tiến biển khơi.
Chuyến đi bất thường
Lần đầu tiên đi biển lại gặp đúng ngày biển động, tàu lắc nghiêng dữ dội, cảm giác tròng trành say sóng "bám" theo tôi suốt cả chặng đường. Trên khoang lái, Thượng úy, Thuyền trưởng Trần Đức Thắng, Hải đội 101 điềm tĩnh cùng đồng đội điều chỉnh hướng đi cho con tàu. "Sóng to thế này phải lái tàu theo hình chữ chi, nghĩa là phải gối lên sóng mà đi, có như thế mới không lật tàu" - Thuyền trưởng nói.
Tuổi đời ngoài 30, Thắng là lớp sỹ quan được đào tạo bài bản khóa đầu tiên chuyên ngành chỉ huy kỹ thuật cho lực lượng CSB tại Học viện Hải quân. Có "thâm niên" gần 10 năm đi biển, từ năm 2008 đến nay, Thắng đảm nhiệm vai trò Thuyền trưởng và đã tích góp cho mình được nhiều kinh nghiệm. Tàu rời bến khoảng gần hai giờ, trời không nóng nhưng nhìn khuôn mặt Thắng lấm tấm mồ hôi có thể đoán được những dấu hiệu bất thường. Đồng đội của Thắng mỗi người một vị trí, một nhiệm vụ nhưng tất cả đều chăm chú, cẩn thận với từng động tác. Ngay cửa ra vào, Chính trị viên tàu, Trung úy Đinh Ngọc Văn kiên trì bám "trận địa" án ngữ lối ra vào, không để mọi người đi lại tùy tiện ảnh hưởng đến công tác an toàn. Sóng mạnh dần, "ném" nước biển vào trong khoang - nơi Chính trị viên Đinh Ngọc Văn đang làm nhiệm vụ. Những đợt sóng to nối tiếp nhau, tôi nằm bẹp dí. Thi thoảng hé mắt nhìn, tôi thấy một số chiến sỹ nôn thốc, nôn tháo nhưng vẫn không rời vị trí; lúc lại thấy các anh đang tranh thủ "trốn" say sóng bằng cách nằm thành từng hàng dài ngay dưới lối đi…
CBCS tàu CSB 3004 rời cảng thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Phạm Đức Tâm
Năm giờ sau khi tàu xuất phát, được anh bạn ở Cục Cảnh sát biển và những chiến sỹ CSB làm nhiệm vụ trên tàu giúp đỡ, tôi mới có thể đi ra ngoài để chứng kiến con tàu cập đảo Bạch Long Vỹ. Bên "trận địa" của mình, Chính trị viên Đinh Ngọc Văn vẫn kiên trì thực thi nhiệm vụ mặc cho toàn thân ướt sũng. Tàu vào đảo, trời vừa xẩm tối. Bữa cơm chiều không nuốt nổi bởi dư âm của trận say sóng. Thay vào đó là câu chuyện của những người gác biển ở Vùng CSB 1…
"Sẵn sàng lên đường" không kể nắng hay mưa, sớm hay tối, bất kỳ lúc nào nhận được lệnh là các anh rẽ sóng ra khơi. Những chuyện nhặt trên đường của các chiến sỹ CSB đã giúp tôi hiểu hơn cuộc sống của những người gác biển. Đó không chỉ là những buổi chiều ngắm hoàng hôn, những đêm câu mực đầy thú vị để cải thiện bữa ăn mà còn cả sự hy sinh trong những lần đánh án giữa biển khơi.
Những người gác biển
Trung úy, Chính trị viên tàu 3004 Đinh Ngọc Văn kể trong ngậm ngùi: "Cách đây đã 3 năm, cũng tại con tàu 3004 này, trong lần nhảy sang tàu vi phạm để kiểm tra, sóng đánh mạnh hai boong tàu va vào nhau, chân Thuyền trưởng, Trung úy Hoàng Quốc Hiệp bị kẹp đứt lìa. Anh trở về đơn vị khi một phần thân thể của mình vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Thương tật đã khiến Hoàng Quốc Hiệp phải giã từ những chuyến đi dọc vùng biển của Tổ quốc. Hiện tại, anh đảm nhiệm công việc trợ lý quân lực của Vùng CSB 1". Tấm gương của anh là động lực để CBCS tàu 3004 nói riêng và lực lượng CSB nói chung vượt mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thượng úy Trần Đức Thắng cho biết: "Ngày 3-3-2012, tàu 3004 của chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Long Châu đã phát hiện và kiểm tra hai tàu hàng mang số hiệu QN 3519 do Vũ Đình Văn, sinh năm 1967, quê ở Quảng Ninh làm thuyền trưởng cùng 6 thuyền viên chở gần 1.500 tấn than cám và tàu Quang Dũng 71 mang số hiệu HN 2332 do Nguyễn Thế Hữu, sinh năm 1967, quê Nam Định làm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên chở gần 1.500 tấn quặng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CSB trên tàu 3004 đã chứng minh rõ nguồn gốc bất hợp pháp của số than và quặng trên để giao lại cho cơ quan chức năng xử lý".
Những năm gần đây tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến rất phức tạp, việc phát triển kinh tế biển và các hoạt động tàu thuyền vận chuyển hàng hóa qua lại bằng đường biển ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn hàng hải ngày một cao. Ngoài việc đối phó với những bất thường của biển, CSB còn đối mặt với việc các đối tượng thường lợi dụng ban đêm để hoạt động và sử dụng phương tiện hiện đại theo dõi, phát hiện phương tiện của các lực lượng tuần tra trên biển để chạy trốn hoặc tẩu tán hàng hóa. Đặc biệt, nhiều đối tượng còn dùng biển kiểm soát giả khi hành trình trên biển và đổ dầu bóng lên mặt boong để ngăn chặn, gây khó khăn cho CBCS thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát…
Vượt qua mọi khó khăn, hơn 10 năm qua lực lượng Vùng CSB 1, hoạt động trên vùng biển của 10 tỉnh, thành phố, từ sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) luôn có mặt kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh trên biển. Các tổ tuần tra đã kiểm tra hàng vạn chiếc tàu, xử lý hàng ngàn tàu vi phạm khi hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản và buôn hàng cấm. Nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, hàng hóa, vũ khí, chất nổ, chất ma túy… đã được CSB phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Những người lính mang quân hàm tím đã trở thành chỗ dựa tin cậy của ngư dân khi gặp nạn.
Theo các chiến sỹ CSB, đánh án ma túy ở đất liền đã khó, trên biển còn khó hơn nhiều, để thu được vật chứng khi bắt giữ các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy trên biển là không dễ. Ma túy thường được chúng giấu rất kỹ trong những container của các lô hàng có trọng tải hàng vạn tấn. Nhiều khi bọn buôn "cái chết trắng" còn trang bị các loại vỏ bọc đặc biệt chống máy soi chiếu ma túy để qua mặt lực lượng chức năng, thậm chí chúng để ma túy vào thùng sắt kín thả xuống một tọa độ nào đó giữa trùng khơi rồi báo để bên nhận hàng đến lấy. Nhưng dù có tinh vi và xảo quyệt đến đâu, những thủ đoạn của chúng không thể qua mắt được các chiến sỹ CSB. Mới đây, CSB Việt Nam phối hợp cùng với các lực lượng chức năng khám phá một vụ buôn bán, vận chuyển gần 600 bánh hêrôin và hàng trăm nghìn viên thuốc lắc, hàng chục kilôgam ma túy "đá"...
* * *
Bình minh dần lên trên đảo Bạch Long Vỹ. Sóng biển vẫn gầm gào, gió vẫn quật rầm rầm trên những mái tôn báo hiệu hành trình trở về đất liền dài hơn 80 hải lý của tàu 3004 không kém phần gian nan. Cảm giác lần đầu tiên được cùng với bộ đội CSB đi trên con tàu làm nhiệm vụ giữa trùng khơi với vô vàn khó khăn, gian khổ chắc chắn sẽ để lại cho tôi những ấn tượng không thể quên. Mỗi người lính gác biển luôn xác định gắn cuộc đời mình với biển, hằng ngày các anh bám biển, sẵn sàng dấn thân nơi đầu sóng, ngọn gió bởi tình yêu biển cả. Chính tình yêu đó đã làm nên sức mạnh, giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Và tôi cũng biết rằng, trong hành trang của những người gác biển tuổi đời còn rất trẻ ấy, ngoài tình yêu biển còn có cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng quyết tâm xứng danh người lính Cụ Hồ như lời tâm sự của một chiến sỹ trẻ mà tôi đã gặp trên tàu 3004...
Cuối năm 2011 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã kiểm tra hàng trăm tàu, phát hiện 21 tàu vi phạm, lập biên bản xử lý hành chính với số tiền trên 500 triệu đồng, thu giữ hơn 8.000 tấn than. Ngoài ra, Cảnh sát biển đã phối hợp cùng công an khám phá 17 chuyên án, vụ án; bắt 28 đối tượng, thu 5 bánh hêrôin, 8,977g cần sa, 5.048 viên ma túy tổng hợp, 1 súng K59, 8 viên đạn, 2 xe ô tô, 4 xe máy, 9.900 USD…
Theo Nguyên Hoa
Hà Nội mới