1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một học sinh mầm non bị cô giáo đánh xước mặt?

(Dân trí) - Chiều ngày 14/12, tại trường mầm non Nam Thành (phường Nam Thành, TP Ninh Bình), cháu Vũ Thị Thu Nhàn, 5 tuổi, bị cô giáo Lưu Thị Tuyết dùng cây gậy tập thể dục đánh gây xước ở vùng mặt.

Bà Trần Thị Hoa, bà ngoại cháu Thu Nhàn, học lớp 5A (tên lớp đặt theo lứa tuổi), phản ánh với cơ quan báo chí: Do cháu Nhàn làm ồn nên cô Tuyết đã phạt bằng cách dùng cây gậy tập thể dục đánh vào tay. Nhưng vì cháu rút được tay, nên cô Tuyết lập tức đánh vào mặt, cách mí mắt bên trái khoảng 1 cm, gây trầy xước, bầm tím và bị sưng.

Tuy nhiên, theo phản hồi từ phía nhà trường thì sự việc không hoàn toàn đúng như vậy.

Để làm sáng tỏ sự việc, chiều ngày 16/12, PV Dân trí đã có cuộc tiếp xúc với Ban giám hiệu trường mầm non Nam Thành, gia đình cháu Thu Nhàn cùng cô giáo Lưu Thị Tuyết.

Đâu là sự thật?

Theo bản tường trình với Ban giám hiệu nhà trường ngay sau khi sự việc xảy ra, cô Tuyết cho hay: “Vào lúc 15h15 chiều thứ 6 ngày 14/12, sau khi các cháu rửa mặt, rửa tay xong và ngồi vào bàn, tôi thấy một bàn các cháu đang cầm thìa tung lên và gõ xuống bàn. Tôi đi đến hỏi thì các cháu nói là cháu Nhàn vừa cầm thìa để nghịch.

 

Tôi yêu cầu cháu Nhàn đưa tay nghịch ra để phạt (lúc đó tôi đang cầm chiếc que tập thể dục bằng nhựa). Cháu Nhàn xoè tay ra rồi rụt lại luôn (lúc đó tôi chưa hề phạt cháu). Tôi gõ que nhựa xuống xuống bàn và nói “không chỉ một mình bạn Nhàn nghịch thìa mà các bạn trong bàn này cũng nghịch”. Vừa nói tôi vừa gõ chiếc que nhựa thể dục xuống bàn không may que trượt khỏi tay và va vào mặt cháu”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hoa lại khăng khăng cho rằng cô Tuyết đã đánh vào mặt cháu Nhàn khiến mặt cháu bị trầy xước, bầm tím và bị sưng.

Theo quan sát của chúng tôi thì trên khoé mắt cháu Nhàn đúng là có một vết xước nhỏ khá mờ nhưng không có dấu hiệu của sự bầm tím hay bị sưng.

Nhận định này được chính chị Duyên, mẹ cháu Nhàn xác nhận: “Cháu chị bị trầy xước nhẹ ở mí mắt chứ không bị bầm tím hay bị sưng”.

Anh Trần Văn Cương, ông trẻ của cháu Nhàn, có con học cùng lớp với cháu, cho biết thêm, theo lời con gái anh kể thì sự việc xảy ra đúng như lời tường trình của cô Tuyết. 

Gia đình học sinh nghiêm trọng hóa sự việc

 

Một học sinh mầm non bị cô giáo đánh xước mặt? - 1
 

Trường Mầm non Nam Thành là

trường chuẩn quốc gia, 4 năm liên

tục đạt lá cờ đầu của tỉnh.

 

Tiếp chúng tôi, chị Đồng Thị Phương Hoa, hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô Tuyết được nhận quyết định vào làm hợp đồng trường mầm non Nam Thành từ ngày 1/10/2007 và được phân công dạy các cháu năng khiếu môn tạo hình.

Từ ngày 3/12/2007, cô Tuyết được phân công vào lớp 5A hỗ trợ việc vệ sinh chăm sóc trẻ (do cô giáo phụ trách lớp này nghỉ đẻ).

 

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chị Hoa nói: “Dù thế nào thì việc phạt cháu Nhàn của cô Tuyết là hoàn toàn sai, vi phạm quy chế ngành và của trường. Chúng tôi đã yêu cầu cô Tuyết viết bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Do vụ việc xảy ra vào chiều thứ 6 nên sang tuần chúng tôi sẽ họp hội đồng kỷ luật để xem xét và ra quyết định kỷ luật đối với cô Tuyết”.

 

Tuy nhiên, cô hiệu trưởng cũng tỏ ra khá bức xúc xung quanh việc bà ngoại cháu Nhàn đã nâng mức độ nghiêm trọng của vụ việc khi cung cấp thông tin cho báo chí. Hơn thế nữa, mẹ cháu thì cứ một mực quy kết là cháu đang ăn thì bị đánh.

Hiệu trưởng Hoa cũng cho rằng xã hội hiện nay đang quá khắt khe với ngành giáo dục. Giáo viên luôn chịu sức ép khi làm nhiệm vụ của mình, lúc nào họ cũng sợ bị vị phạm “đạo đức nhà giáo” cho dù hành vi đó là vô ý.

Được biết, ngay sau khi nhận ra sai sót của mình, cô Tuyết và Ban giám hiệu trường đã đến thăm hỏi cháu Nhàn và xin lỗi gia đình cháu. 

 

Bà Lã Thị Lụa, Trưởng phòng mầm non, Sở GD-ĐT Ninh Bình: Xin hãy phản ánh sự thật!

 

Bà có thể cho biết quan điểm của phòng đối với sự việc xảy ra ở trường mầm non NamThành?

 

Trước hết tôi xin khẳng định, việc làm của cô Tuyết là hoàn toàn sai với quy chế chuyên môn của ngành. Tuy nhiên ở đây cô Tuyết mới vào nghề nên có thể chưa thấm nhuần hết các chủ trương của ngành nên cách xử lý tình huống chưa được mềm mại.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục rèn luyện thầy cô trong lĩnh vực sư phạm lên lớp.

Còn về góc độ phản ánh, tôi cũng hi vọng các cơ quan ngôn luận cần phải khách quan và đưa đúng sự thật.

Vậy hướng giải quyết vụ việc của Sở GD-ĐT Ninh Bình trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa bà?

Trước mắt chúng tôi đang yêu cầu nhà trường hoàn tất những biên bản tường thuật sự việc để báo cáo với UBND thành phố, Sở GD-ĐT…

Sau khi hoàn tất khâu này chúng tôi sẽ tìm hiểu đúng bản chất của sự việc để từ đó đưa ra mức kỷ luật thoả đáng.

Cô giáo Lưu Thị Tuyết: Hãy cho tôi một cơ hội!

Là một giáo viên mới về trường công tác, chị nhận thức vụ việc vừa qua như thế nào?

 

Những lúc các cháu hư thì bản thân tôi chỉ muốn đe nẹt  để ổn định nề nếp chứ không hề có một động cơ gì để xúc phạm các cháu. Tuy nhiên dù thế nào thì việc làm của tôi cũng sai, tôi không nên đe nẹt các cháu.

 

Chị cảm thấy thế nào nếu thời gian tới Hội động kỷ luật quyết định đình chỉ công tác vĩnh viễn đối với chị?

 

Có lẽ hình thức đình chỉ công tác vĩnh viễn đối với tôi là quá nặng nề. Mặc dù tôi đã sai nhưng tôi mong sao ngành giáo dục có những phương hướng để những người rơi vào hoàn cảnh như tôi được sữa chữa lỗi lầm của mình.

Nguyễn Hùng