Sóc Trăng:

Một đoạn đường ngắn có trên 60 cây hoa độc

(Dân trí) - Những ngày vừa qua, khi báo Dân trí phản ánh về việc cây Sò đo cam là một loài cây độc, nhiều người dân ở Sóc Trăng mới giật mình bởi trên nhiều đoạn đường trong nội ô TP Sóc Trăng chính quyền cũng cho trồng loài cây này.

Ghi nhận của chúng tôi tại TP Sóc Trăng, trên tuyến đường Lê Lợi (phường 6) dài chưa đến 1km nhưng có đến khoảng 60 cây Sò đo cam đang xanh tốt, ra hoa đẹp mắt. Có nhiều cây mọc ngay trước nhà dân, gần các trường học, thậm chí cạnh bên các ngôi chùa.

Đường Lê Lợi, phường 6, TP Sóc Trăng dài chưa đến 1km nhưng có đến hàng chục cây Sò đo cam được địa phương trồng làm cảnh.
Đường Lê Lợi, phường 6, TP Sóc Trăng dài chưa đến 1km nhưng có đến hàng chục cây Sò đo cam được địa phương trồng làm cảnh.

Ông Nguyễn Văn Mai (một hộ dân ở đây) cho biết: “Cách đây mấy năm, chính quyền cho trồng loại cây này thì chúng tôi cũng chỉ biết thế thôi. Khi thấy cây mau lớn, tán rộng lại cho hoa đẹp nhiều người thích, thậm chí có người còn mua về trồng xung quanh nhà làm cảnh. Nhưng giờ đây đọc báo Dân trí mới biết đây là loại hoa độc thì nhiều hộ dân lại lo lắng, mong chính quyền cho đốn bỏ để trồng loại cây khác có lợi hơn”.

Cây Sò đo cam được trồng ngay trước nhà dân.
Cây Sò đo cam được trồng ngay trước nhà dân.
Một cây Sò đo cam mọc cạnh bên một ngôi chùa ở Sóc Trăng.
Một cây Sò đo cam mọc cạnh bên một ngôi chùa ở Sóc Trăng.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thanh Nhàn - Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi cũng không nhận được thông báo nào về tính chất độc hại của loại cây Sò đo cam nên chưa biết xử lý như thế nào. Nay nghe báo chí phản ánh thì sẽ cho kiểm tra lại để xử lý kịp thời”.

Được biết, Sò đo cam (hay còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi...) có xuất xứ từ châu Phi. Cây cao từ 12 - 15m,  phân cành nhánh ở đỉnh, tán lá rậm xanh. Cây ra hoa từ tháng 11 đến tháng 1 Dương lịch, hoa màu vàng cam, phát tán hạt qua gió, mọc nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố, xâm chiếm các vùng đất hoang hóa, vùng rừng đã bị tác động, làm giảm đa dạng sinh học… Do vậy Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã đưa cây này vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới.

Bạch Dương