1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Ngày Quốc tế vì người nghèo 17/10:

Một bộ phận người nghèo còn thói quen ỉ lại

(Dân trí) - “Cuộc đấu tranh giảm nghèo còn nan giải khi sức ì của một bộ phận người nghèo còn rất lớn. Đợt bão vừa qua, có gia đình bị tốc mất mái nhà bằng tôn, họ cứ để vậy không lợp lại dù miếng tôn đó rơi ngay cạnh nhà. Họ bảo, nhà của Nhà nước hỗ trợ, giờ Nhà nước đến mà làm lại”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Dân trí về vấn đề làm sao đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra, đến đến cuối năm 2008, giảm tỷ lệ người nghèo ở nước ta xuống còn khoảng 11%.

 

Được biết, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đang gặp nhiều khó khăn, có thể làm ảnh hưởng tới kết quả tỷ lệ người nghèo. Xin ông cho biết, những trở ngại đó là gì?

 

Thứ nhất, chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo (bảo hiểm y tế) với thời hạn 1 năm là quá ngắn, nên tăng thời hạn sử dụng thẻ lên 2 năm; cần có cơ chế khuyến khích đối với hộ mới thoát nghèo trong vòng 2 năm được tiếp tục hưởng chế độ khám chữa bệnh như người nghèo.

 

Thứ hai, chính sách cơ chế miễn giảm học phí cho học sinh nghèo đã không còn phù hợp, thiếu minh bạch về nguồn lực và đối tượng thụ hưởng; cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng chi trả tiền trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho học sinh nghèo để họ tự đóng học phí cho nhà trường, trước mắt có thể áp dụng đối với sinh viên nghèo ở hệ giáo dục chuyên nghiệp. 

Năm 2008, dự kiến kinh phí cho Chương trình quốc gia giảm nghèo là hơn 330 tỷ đồng. Theo đó, ưu tiên nguồn lực cho các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp các nhà đầu tư đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo và nhận người nghèo vào làm việc tại các doanh nghiệp, nông lâm trường và đi XKLĐ. 

 

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, đến cuối năm 2008, cả nước còn khoảng hơn 13% tỷ lệ người nghèo.

Thứ ba, cho vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo và hoạt động khuyến lâm ngư chưa gắn kết chặt chẽ, còn một bộ phận người nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng chưa biết cách sử dụng vốn nên chưa được vay; mức vay hiện quá thấp (4-5 triệu/hộ), chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay của người nghèo.

 

Thứ tư, chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở khó có khả năng thực hiện đạt chỉ tiêu trong 5 năm hỗ trợ 500 ngàn căn nhà cho người nghèo. 

 

Thứ năm, đó là chương trình đã được thực hiện gần 2 năm, song so với mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra thì nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách trung ương bố trí còn rất hạn hẹp, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.

 

Nhưng thưa ông, lại có ý kiến cho rằng, những hộ nghèo này thường hay ỉ lại không chịu vươn lên thoát nghèo nên tái nghèo vẫn xảy ra?

 

Cuộc đấu tranh còn nan giải khi sức ì của một bộ phận người nghèo còn rất lớn. Đợt bão vừa qua có gia đình bị tốc mất mái nhà bằng tôn, họ cứ để vậy không lợp lại dù miếng tôn đó rơi ngay cạnh nhà. Họ bảo “Nhà của Nhà nước hỗ trợ, giờ Nhà nước đến để làm lại”. Làm thế nào để người nghèo sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước, không trông chờ, ỉ lại, nêu cao ý chí quyết tâm vượt nghèo của các xã nghèo, vùng nghèo và chính bản thân người nghèo mới có thể giảm nghèo một cách bền vững

 

“Căn bệnh thành tích” được cảnh báo từ chương trình mục tiêu giai đoạn 2000-2005 là bài học lớn cho các địa phương và cả cơ quan quản lý nhà nước trong chương trình mục tiêu 2006-2010. Theo ông, biện pháp nào để hạn chế tồn tại này?

 

Đó là cần phải giảm nghèo bền vững, trong đó, đặc biệt tạo cơ chế thúc đẩy, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định đối với các chương trình, dự án, cơ chế chính sách giảm nghèo, giảm tỷ lệ tái nghèo. Tất nhiên, vai trò của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng, nó quyết định sự thành công của chương trình. 

 

Xin cảm ơn ông!

 

Lan Hương (thực hiện)