1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Mong chờ xây trường học sau khi thu hồi "đất vàng" 3 mặt tiền tại TPHCM

Ngọc Tân

(Dân trí) - Khu "đất vàng" tại số 419 Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) đã được doanh nghiệp tự nguyện bàn giao cho UBND quận 10, sau gần 4 năm ra quyết định thu hồi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 11/2, ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 10 (TPHCM), cho biết địa phương đã hoàn tất thu hồi khu đất tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong từ Công ty CP giáo dục G Sài Gòn.

Trước đó, phía doanh nghiệp nhiều lần từ chối bàn giao đất. Sau khi UBND quận 10 đề xuất phương án cưỡng chế, đến phút chót, doanh nghiệp xin được tự tháo dỡ để thu hồi tài sản trên đất.

Mong chờ xây trường học sau khi thu hồi đất vàng 3 mặt tiền tại TPHCM - 1

Khu đất 419 Lê Hồng Phong nằm trên địa bàn phường 2, quận 10, TPHCM (Ảnh: Ngọc Tân).

Ông Tiến cho biết khu đất sau khi thu hồi được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM. UBND quận 10 đang lập dự án xây dựng trường THCS đạt chuẩn trên khu đất này để trình thành phố phê duyệt.

Theo ghi nhận của phóng viên trong sáng 11/2, các hạng mục nhà xưởng trên khu đất đã được phá dỡ, san phẳng hoàn toàn. Chỉ còn sót lại một trạm điện. Các cổng ra vào được đóng lại, tránh tình trạng tái lấn chiếm.

Khu đất rộng 10.936 m2, nằm ở vị trí đắc địa với 3 mặt giáp các tuyến đường Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn, mặt còn lại là hẻm nhỏ. Bản thân các mặt vỉa hè của khu đất cũng bị trưng dụng làm nơi tập kết rác, buôn bán kinh doanh.

Mong chờ xây trường học sau khi thu hồi đất vàng 3 mặt tiền tại TPHCM - 2

Một nhà vệ sinh công cộng tại tường rào khu đất 419 Lê Hồng Phong bị trưng dụng làm quán nước (Ảnh: Ngọc Tân).

"Mong chờ lắm chứ. Dân số ở đây đông lắm, dân nhà nghèo không hà", bà Lê Thị Kim Liên (người dân phường 2, quận 10), cảm thán khi được hỏi về kế hoạch xây trường học tại khu đất 419 Lê Hồng Phong.

Theo bà Liên, vỉa hè xung quanh khu đất từ nhiều năm nay được người dân dựng lều lán để buôn bán, phát sinh rác thải. Việc xây trường học có thể giúp không gian sạch sẽ hơn.

Từ thời Pháp, khu đất 419 Lê Hồng Phong là Nhà máy giày Bata, sau năm 1975 trở thành Xí nghiệp Giày Sài Gòn và sau đó là Công ty CP Giày Sài Gòn. 

Một thời gian dài, Công ty CP Giày Sài Gòn không còn hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn giữ quyền thuê đất và cho Nhà xe Thành Bưởi thuê lại làm nhà xe, kho hàng.

Mong chờ xây trường học sau khi thu hồi đất vàng 3 mặt tiền tại TPHCM - 3

Trạm điện còn lại sau khi phá dỡ khu đất 419 Lê Hồng Phong (Ảnh: Ngọc Tân).

Năm 2016, UBND quận 10 đã đề xuất thu hồi khu đất để xây trường học. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất đến hết năm 2020.

Ngày 28/5/2021, trên cơ sở thời hạn thuê đất đã hết và không được gia hạn, UBND TPHCM chính thức ban hành quyết định thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong.

Phía Công ty CP giáo dục G Sài Gòn (tiền thân là Công ty CP giày Sài Gòn) phản đối quyết định thu hồi đất, khiếu nại lên Chủ tịch UBND TPHCM và Bộ trưởng TN&MT nhưng đều bị bác đơn. Cuối năm 2024, trước nguy cơ bị cưỡng chế, doanh nghiệp chấp nhận bàn giao đất.